VNReport»Kinh tế»Tài chính»Kinh tế Trung Quốc thu hẹp theo quý do thiệt hại vì phong tỏa

Kinh tế Trung Quốc thu hẹp theo quý do thiệt hại vì phong tỏa

10:53 - 15/07/2022

GDP của Trung Quốc giảm 2,6% theo quý, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Nửa đầu năm 2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 2,5%, khó hoàn thành mục tiêu cả năm là 5,5%.

Trong quý II/2022, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm so với 3 tháng đầu năm trong khi tăng trưởng theo năm gần như bằng không, thể hiện thiệt hại khổng lồ về kinh tế do những đợt phong tỏa Covid-19, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và chi tiêu tiêu dùng.

GDP của Trung Quốc giảm 2,6% trong quý II so với quý trước, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ Sáu, so với kỳ vọng giảm 1,5% của các nhà phân tích được Reuters thăm dò. So với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 0,4%, thấp hơn dự báo 1,0%.

Trong 3 tháng đầu năm, GDP Trung Quốc lần lượt tăng 1,4% và 4,8% theo quý và theo năm.

Nửa đầu năm 2022, kinh tế Trung Quốc tăng 2,5%. Mục tiêu tăng trưởng của chính phủ nước này trong cả năm nay là 5,5%, trong khi các nhà phân tích dự báo con số này sẽ là 4,0%.

Trung Quốc đang phong tỏa toàn bộ hoặc một phần 31 thành phố, chiếm khoảng 17,5% hoạt động kinh tế.

Trung Quốc đang phong tỏa toàn bộ hoặc một phần 31 thành phố, chiếm khoảng 17,5% hoạt động kinh tế.

Các trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần vào tháng 3 và tháng 4, bao gồm cả trung tâm thương mại và tài chính Thượng Hải. Mặc dù nhiều hạn chế đã được dỡ bỏ và dữ liệu tháng 6 cho thấy dấu hiệu cải thiện, các nhà phân tích dự báo không có sự phục hồi kinh tế nhanh chóng. Trung Quốc vẫn đang tuân theo chính sách “zero Covid” cứng rắn trong bối cảnh những đợt bùng phát mới, thị trường bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và triển vọng toàn cầu trở nên u ám. Việc áp dụng những biện pháp phong tỏa mới ở một số thành phố và sự xuất hiện của biến thể BA.5 rất dễ lây lan làm gia tăng lo ngại của doanh nghiệp và người tiêu dùng về khoảng thời gian bất ổn kéo dài.

Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế, mặc dù các nhà phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng cho năm nay – vốn đã thấp nhất trong 3 thập kỷ – sẽ khó đạt được nếu không loại bỏ chiến lược zero Covid nghiêm ngặt. 31 thành phố của Trung Quốc đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, ảnh hưởng đến 247,5 triệu người ở các khu vực chiếm khoảng 17,5% hoạt động kinh tế của đất nước, theo một phân tích được công bố trong tuần này của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura.

Chính quyền Tập Cận Bình luôn cho biết họ ưu tiên dập tắt Covid cao hơn nền kinh tế. Họ đổ lỗi cho sự chậm lại của nền kinh tế do đại dịch và nguy cơ lạm phát đình trệ trong nền kinh tế toàn cầu.

Fu Linghui, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia, cho biết: “Nhìn chung, với một loạt chính sách ổn định vững chắc nền kinh tế đạt được những kết quả đáng chú ý, nền kinh tế quốc dân đã vượt qua tác động bất lợi của các yếu tố bất ngờ, thể hiện đà phục hồi ổn định”.

Doanh số bán lẻ – một thước đo tâm lý quan trọng ở thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới – giảm 4,6% trong quý II sau khi giảm hai chữ số vào tháng 4. Chi tiêu của người tiêu dùng tụt lại so với sự phục hồi diện rộng kể từ khi đại dịch bắt đầu, một phần là do những hạn chế đi lại.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 6 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng của các nhà máy tăng 0,7% trong quý II. Đầu tư tài sản cố định tăng 5,6% trong tháng trước. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cao hơn 7,1% do Bắc Kinh tăng cường các nỗ lực kích thích kinh tế, trong khi đầu tư vào bất động sản giảm 5,4%.

Các nhà phân tích cho biết sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc có thể khiến nước này sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng và kích thích tài khóa, trái ngược với các nền kinh tế phát triển đang tăng lãi suất để giải quyết lạm phát cao. Tuy nhiên, việc tăng cường đầu tư sử dụng vốn vay có thể gây ảnh hưởng đến nỗ lực đối phó với đòn bẩy tài chính cao và nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, vốn đã làm dấy lên những lo lắng về sự ổn định tài chính. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể không muốn giảm lãi suất vì sợ dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Bất chấp những chỉ trích rằng chính phủ trung ương đang quay lại với việc chi tiêu bằng nợ và lãng phí – phần lớn vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn và được tài trợ thông qua các chính quyền địa phương – Bắc Kinh đang nỗ lực ngăn chặn suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đã tăng lên mức kỷ lục 19,3%.