VNReport»Kinh tế»Kinh tế Việt Nam bị “sốc” thế nào khi Trung Quốc dừng zero Covid

Kinh tế Việt Nam bị “sốc” thế nào khi Trung Quốc dừng zero Covid

17:14 - 30/12/2022

Sau những cuộc biểu tình ở một số thành phố lớn, chính phủ Trung Quốc gần đây nới lỏng một số quy định Covid-19. Đây là dấu hiệu cho thấy nước này chuẩn bị từ bỏ chính sách “zero Covid” và tái mở cửa nền kinh tế. Điều này sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Gần ba năm trước, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được báo cáo tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ba tháng sau, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đây là đại dịch và cần phải thực hiện các hành động để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Việt Nam áp dụng cách tiếp cận tương tự như Trung Quốc, với các biện pháp bao gồm đóng cửa biên giới, cách ly những người được chẩn đoán mắc bệnh và thực hiện phong tỏa trên diện rộng khi phát hiện có ca nhiễm trong cộng đồng. Khi có đợt bùng phát lớn, các nhà máy thực hiện quy trình sản xuất khép kín, với công nhân ngủ tại chỗ và phải xét nghiệm Covid-19 thường xuyên.

Tuy nhiên, từ năm ngoái, Việt Nam từ bỏ mục tiêu dập tắt hoàn toàn virus, còn gọi là “zero Covid”, mở cửa biên giới vào đầu năm nay. Những quyết định được đưa ra khi một tỷ lệ lớn dân số có kháng thể từ vaccine, bao gồm cả các loại vaccine mRNA do Mỹ sản xuất hoặc từ việc bị nhiễm bệnh từ trước.

Trung Quốc gần đây nới lỏng các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm trên diện rộng thực hiện trong gần ba năm qua.

Trung Quốc gần đây nới lỏng các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm trên diện rộng thực hiện trong gần ba năm qua.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược “zero Covid”, phong tỏa và xét nghiệm trên diện rộng ngay cả với những đợt bùng phát nhỏ nhất. Tháng 4, nước này phong tỏa toàn bộ thành phố Thượng Hải trong nhiều tuần, làm gián đoạn nặng nề cuộc sống của người dân và việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Tháng 11, nước này lại thực hiện một đợt phong tỏa ở nhiều thành phố lớn trên toàn quốc bao gồm Bắc Kinh và Quảng Châu khi số ca nhiễm đạt mức cao nhất kể từ đầu đại dịch.

Tuy nhiên gần đây, giới chức Trung Quốc liên tục phát tín hiệu sắp từ bỏ chính sách “zero Covid”, bao gồm việc cho phép cách ly tại nhà và dừng xét nghiệm hàng loạt, sau khi nhiều người xuống đường biểu tình phản đối chính sách này. Đây là đợt biểu tình lớn nhất trong hàng thập kỷ ở nước này.

Với ảnh hưởng lớn của Trung Quốc, việc nước này mở cửa trở lại sẽ gây ra những tác động với nền kinh tế Việt Nam, có thể bao gồm dòng vốn đầu tư nước ngoài, chuỗi cung ứng và lĩnh vực du lịch.

Dòng vốn FDI có thể chậm lại

Trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhận được khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 25 tỷ USD, gần bằng mức kỷ lục của năm ngoái. Điều này một phần phản ánh sự thay đổi cách nhìn nhận của nhà đầu tư nước ngoài về Trung Quốc.

Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới với lợi thế về dân số trẻ, đông đảo và chi phí lao động rẻ. Hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc cũng là một thị trường mà bất cứ doanh nghiệp đa quốc gia nào cũng thèm muốn. Nhưng khoảng vài năm gần đây, tiền lương của lao động Trung Quốc cao hơn trước và chiến tranh thương mại với Mỹ khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Do đó, một số công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

“Zero Covid” thúc đẩy nhiều doanh nghiệp, trong đó có Foxconn, chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đến Việt Nam.

“Zero Covid” thúc đẩy nhiều doanh nghiệp, trong đó có Foxconn, chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đến Việt Nam.

“Zero Covid” thúc đẩy trào lưu này khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách của Trung Quốc. Chẳng hạn, Foxconn của Đài Loan – một trong những nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple trở thành tâm điểm của tình trạng bất ổn do phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc. Theo một số ước tính, tình trạng bất ổn tại nhà máy ở Trịnh Châu trong tháng 11 khiến năng lực sản xuất iPhone của cơ sở này giảm 30%.

Foxconn đang trong quá trình chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc do tác động của các chính sách “zero Covid”. Hồi tháng 8, Foxconn công bố sẽ chi thêm 300 triệu USD để tăng cường sản xuất tại Việt Nam. Quyết định đại diện cho xu hướng ngày càng tăng của các doanh nghiệp quốc tế.

Đầu năm nay, một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho thấy 17% số người được hỏi chuyển ít nhất một phần hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Khi áp lực gia tăng lên ngành sản xuất ở Trung Quốc, ngay cả các công ty nội địa của nước này cũng nhận thấy lợi ích khi chuyển dịch về phía nam. Chẳng hạn, Xiaomi đưa một phần hoạt động sản xuất sang nhà máy trị giá 80 triệu USD ở Thái Nguyên vì chi phí vận chuyển và logistics cao hơn do đại dịch Covid-19.

Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là một trong những nước có khả năng thay thế Trung Quốc tốt nhất, với các yếu tố thuận lợi bao gồm dân số trẻ gần 100 triệu người, chi phí lao động rẻ, tình hình xã hội ổn định. Ngoài ra, khoảng cách địa lý gần với Trung Quốc cũng giúp giữ chi phí logistics ở mức thấp.

Dù có những lý do ngoài dịch bệnh thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, việc Trung Quốc từ bỏ “zero Covid” có thể làm chậm lại xu hướng này.

Chuỗi cung ứng được cải thiện

Đang trở thành một trung tâm sản xuất lớn của thế giới nhưng ngành sản xuất Việt Nam phụ thuộc nhiều vào phụ tùng, linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2018, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản thống kê rằng Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa chỉ 34% đối với phụ tùng, linh kiện và vật liệu. Ngược lại, con số đó là 68% đối với Trung Quốc và 57% đối với Thái Lan. Do đó, ngành công nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.

Ngành sản xuất Việt Nam phụ thuộc nhiều vào máy móc, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngành sản xuất Việt Nam phụ thuộc nhiều vào máy móc, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dữ liệu thương mại cho thấy Trung Quốc là thị trường nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu hơn 100 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Trong đó có nhiều nguyên liệu bao gồm nguyên liệu thô cho ngành dệt may, da giày với trị giá 13,7 tỷ USD.

Nhưng thương mại xuyên biên giới giữa hai nước gặp khó khăn trong thời kỳ “zero Covid”. Không chỉ các nhà máy ở Trung Quốc gặp trở ngại trong việc sản xuất những mặt hàng Việt Nam cần, mà việc vận chuyển qua biên giới cũng gặp nhiều khó khăn. Tháng ba, một số công ty báo cáo rằng các chuyến hàng từ Trung Quốc đến Việt Nam bị chậm trễ từ 2-4 tuần. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến một số doanh nghiệp khi phải chờ linh kiện, phụ tùng quan trọng.

Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc từ Việt Nam cũng bị chậm trễ kéo dài. Tháng 12/2021, 6.000 xe tải phần lớn chở trái cây bị kẹt ở biên giới chờ vào Trung Quốc khi hải quan Trung Quốc chỉ làm việc ở 20-25% công suất. Ngành nông nghiệp Việt Nam vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, ví dụ hơn 50% lượng hoa quả tươi Việt Nam xuất khẩu là dành cho thị trường này. Ngoài ra, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, gạo… cũng là những nông sản của Việt Nam mà người Trung Quốc tiêu thụ nhiều.

Khi “zero Covid” kết thúc, những vấn đề biên giới này nhiều khả năng cũng sẽ được giải quyết. Trên thực tế, theo ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới hiện cao hơn gấp 3-4 lần so với hồi đầu năm nay.

Tình hình thông thương giữa hai nước được cải thiện cũng thúc đẩy một ngành khác của Việt Nam là thủy sản. Trong đó, ngành cá tra Việt Nam dự kiến hưởng lợi vào năm 2023 từ sự mở cửa trở lại của một trong những thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất thế giới.

Ngành du lịch Việt Nam đón cú hích

Ngành du lịch Việt Nam sẽ nhận được một cú hích quan trọng nếu các hạn chế đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam được nới lỏng.

Sau khi nhà chức trách Trung Quốc báo hiệu nới lỏng các hạn chế, Vietnam Airlines thông báo nối lại đường bay giữa hai nước sau gần ba năm tạm dừng, với đường bay thường lệ TP HCM – Quảng Châu trở lại từ ngày 9/12. Sau đó, hãng hàng không quốc gia lần lượt mở lại thêm các đường bay Hà Nội – Thượng Hải và TP HCM – Thượng Hải vào ngày 12/12 và 14/12. Vietjet cũng thông báo nối lại một số chuyến bay với Trung Quốc, trong khi Bamboo Airways mở đường bay thẳng đầu tiên của hãng từ Hà Nội tới Thiên Tân.

Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam trước đại dịch.

Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam trước đại dịch.

Đây là tin vui cho ngành du lịch Việt Nam, vì Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất hồi trước đại dịch. Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 5,8 triệu lượt, tương đương 30% trong tổng số 18 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam. Trong các năm 2020 và 2021, khi hầu hết nước đóng cửa hoặc hạn chế biên giới, khách du lịch Trung Quốc vẫn chiếm lần lượt 34% và 44% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam.

Nhưng trong 11 tháng đầu năm 2022, ngay cả khi Việt Nam mở cửa biên giới, chỉ có 54.000 lượt khách từ Trung Quốc đặt chân đến dải đất hình chữ S, theo số liệu do Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê công bố.

Với việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế nhập cảnh, ngành du lịch và khách sạn tại các điểm nóng du lịch trọng điểm của Việt Nam, đặc biệt là ở miền Trung, nơi du lịch là ngành mũi nhọn có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong 11 tháng đầu năm, số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt, kém xa so với con số trước đại dịch. Do đó, mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn chưa trở lại bằng năm 2019 dù chi tiêu từ khách du lịch trong nước tăng mạnh.

Gần đây, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) yêu cầu các phường, xã trực thuộc và cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng cho việc Cửa khẩu Móng Cái cho phép xuất nhập cảnh trở lại. Thành phố dự đoán việc mở cửa trở lại có thể diễn ra vào dịp Tết Âm lịch sắp tới.

Bà Phạm Thị Oanh – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Móng Cái cho biết các đơn vị kinh doanh du lịch được yêu cầu sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ, đồng thời đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và an ninh trật tự.

Cần thời gian để trở về bình thường

Việc Trung Quốc từ bỏ “zero Covid” sẽ tác động đáng kể đến Việt Nam nhưng vẫn cần thời gian để mọi thứ trở về bình thường. Giai đoạn chuyển tiếp sẽ đầy thách thức và có thể có một số nhầm lẫn xung quanh các chính sách trong giai đoạn này.

Trung Quốc được dự báo phải đối mặt với một làn sóng Covid-19 lớn khi bắt đầu mở cửa trở lại.

Trung Quốc được dự báo phải đối mặt với một làn sóng Covid-19 lớn khi bắt đầu mở cửa trở lại.

Hơn nữa, khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt, giống như ở hầu hết nước khác (bao gồm Việt Nam), sẽ xuất hiện một làn sóng Covid-19 lớn. Tùy thuộc vào những phản ứng chính sách đối với một đợt bùng phát kéo dài, cũng có thể có những tác động khác đối với thương mại xuyên biên giới, du lịch và dòng vốn FDI.

Việt Nam từ bỏ chính sách “zero Covid” từ tháng 9/2021. Nhưng trong thời gian đầu sau khi nới lỏng hạn chế, việc số ca nhiễm tăng mạnh, đặc biệt là trong đợt bùng phát tháng ba năm nay tiếp tục gây ra những cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng không hồi phục ngay sau khi chính quyền nới lỏng các hạn chế Covid. Trong ngắn hạn, tình hình kinh tế Trung Quốc được cho là rất xấu trong quý cuối năm nay và đầu năm 2023, theo Larry Hu – kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital. Tuy nhiên, ông cũng dự đoán rằng nền kinh tế sẽ trở lại bình thường trong quý 2/2023.

Hiện tại, các quy định kiểm soát nhập cảnh của Trung Quốc vẫn rất nghiêm ngặt. Khách nhập cảnh vào nước này phải xét nghiệm virus 48 giờ trước khi bay, khai báo lấy mã sức khỏe và luôn đeo khẩu trang N95. Đồng thời, du khách vẫn buộc phải cách ly 5 ngày.

Dù có một số chuyển bay được mở trở lại giữa nước này với Việt Nam, theo đại diện của các hãng hàng không, lượng khách cũng không cao. Ngành du lịch cho rằng phải đến mùa hè năm sau, dòng khách Trung Quốc mới thực sự trở lại với số lượng lớn.