VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Kinh tế Việt Nam dần thoát khỏi bóng đen Covid-19

Kinh tế Việt Nam dần thoát khỏi bóng đen Covid-19

11:13 - 08/11/2021

Các tổ chức đa phương và ngân hàng quốc tế đều đã và đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhưng giới chuyên gia nhận định tương lai của kinh tế Việt Nam vẫn tươi sáng.

Bất chấp những thách thức từ dịch Covid-19 đã diễn ra gần đây, giới chuyên gia kỳ vọng hoạt động kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục một phần trong quý 4/2021 theo hướng thích ứng an toàn và bình thường mới và kinh tế sẽ phục hồi mạnh trong năm 2022. Đặc biệt, khi dịch bệnh qua đi, sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho những doanh nghiệp nếu có được chuẩn bị tốt.

Kỳ vọng đà tăng trưởng cuối năm

Mới đây, ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về nguồn vốn, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động… tuy nhiên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư FDI đăng ký mới vẫn tăng đáng kể và tăng trưởng GDP dương trong 9 tháng năm 2021 đã góp phần tạo nên một triển vọng tươi sáng hơn cho nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ thay đổi chính sách về Covid-19 từ tháng 10/2021, nền kinh tế đã nhanh chóng mở cửa trở lại và quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số đã bắt đầu. Hiện tại, chính phủ đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ mới để phục hồi kinh tế, đồng thời cũng đã áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát Covid-19. Dự kiến ​​sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa, ứng dụng AI và công nghệ sẽ hỗ trợ kiểm soát tình hình và phục hồi kinh tế nhanh chóng trong thời gian sớm nhất.

Không chỉ khu vực kinh tế tư nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham Việt Nam đánh giá, mặc dù các lĩnh vực như du lịch, khách sạn, tổ chức sự kiện… vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như thương mại điện tử vẫn được hưởng lợi trong đại dịch với mức tăng trưởng 18%. Mặt khác, nhờ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia, sản xuất và xuất khẩu hải sản, cà phê, quần áo, giày dép, thiết bị cơ khí cũng sẽ sớm phục hồi.

Nhờ các yếu tố cơ bản vững chắc, ông Cany dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần dần trong ít nhất 6 tháng tới cho đến khi đà tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022.

Bổ sung cho kỳ vọng vào đà tăng trưởng của Việt Nam ở nửa cuối năm 2022, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chỉ ra rằng Việt Nam đã tạo ra sự ổn định về kinh tế vĩ mô và xã hội. Đây là điều sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn khi các nhà đầu tư luôn yêu thích những môi trường an toàn, có thể dự đoán được.

Còn theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt. Việt Nam có thể không đạt được mục tiêu 3,5 – 4% như dự kiến nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng vào quý IV này và trong năm 2022 đà tăng trưởng sẽ hồi phục lại.

Nắm bắt cơ hội và xu hướng mới

Thông qua những diễn biến thời gian gần đây, giới chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã tìm ra cách để thoát khỏi những ngày u tối. Niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp đã hồi phục và họ tin tưởng nhiều hơn vào sự trở lại của trạng thái bình thường.

Một thay đổi khác cũng được ghi nhận là tư duy của các lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, từ việc chỉ tập trung vào sức khỏe và sự an toàn của nhân viên cũng như sự sống còn của doanh nghiệp, giờ đây, các lãnh đạo doanh nghiệp đã trở lại với tư duy phát triển, bắt đầu tập trung vào các cơ hội tăng trưởng.

Với phân khúc người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng, dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa dân số vào cuối thập kỷ này, Việt Nam sở hữu một thị trường tăng trưởng đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, từ y tế đến bảo hiểm hay giáo dục tư nhân.

Ngoài ra, các chuyên gia còn đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp trong nước như nên chuyển đổi sang phát triển bền vững, tích cực chuẩn bị cho làn sóng kỹ thuật số mới… Đặc biệt, giảm chi phí logistics và tăng năng lực cạnh tranh trong sản xuất là cách nhanh nhất để các doanh nghiệp tiếp cận xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp và logistics.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng doanh nghiệp chính là động lực phát triển của nền kinh tế, nên cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi. Cụ thể, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị cần chủ động, nhất quán, có lộ trình mở cửa thị trường; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính; mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh; trợ giúp, nâng cao năng lực về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đào tạo nguồn nhân lực cho cộng đồng doanh nghiệp; và tiếp tục thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở mang thị trường cho doanh nghiệp.

Dù vẫn còn những rủi ro đáng kể trong năm nay và năm sau, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus SARS-CoV-2 và tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19 không đồng đều có thể trì hoãn việc Việt Nam trở lại với mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch, tuy nhiên, nếu biết nắm bắt tốt các cơ hội, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể chủ động làm chủ cuộc chơi và vươn mình bứt phá sau đại dịch.