VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kỷ nguyên khí đốt Nga ở châu Âu kết thúc

Kỷ nguyên khí đốt Nga ở châu Âu kết thúc

17:17 - 02/01/2025

Hợp đồng xuất khẩu khí đốt từ Nga đến châu Âu qua đường ống ở Ukraine kết thúc như đã kỳ vọng từ lâu.

Nga đã dừng dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu qua Ukraine sau khi Kyiv từ chối gia hạn thỏa thuận đường ống, qua đó chấm dứt một trong những liên kết năng lượng cuối cùng còn lại giữa Nga và nơi từng là thị trường lớn nhất của họ.

Một thỏa thuận vận chuyển khí đốt sử dụng các đường ống thời Liên Xô chạy qua Ukraine đã hết hạn vào cuối năm 2024. Ukraine đã tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận vì nó tạo nguồn thu giúp Moscow tiến hành chiến tranh ở Ukraine. Nhà xuất khẩu khí đốt Nga Gazprom cho biết đã dừng dòng khí vào sáng sớm của năm mới khi thỏa thuận hết hạn.

Sự kết thúc thỏa thuận, do Liên minh châu Âu làm trung gian vào năm 2019, đã được kỳ vọng từ lâu và sẽ ít có tác động đến nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu – không giống như hồi đầu chiến tranh khi việc Nga ngừng cung cấp khí đốt làm đảo lộn thị trường khí đốt châu Âu và tăng giá mạnh.

Châu Âu đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Moscow từng cung cấp tới 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU trước chiến tranh, nhưng tỷ lệ này giảm xuống còn 15% vào năm 2023. Nga vẫn xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ, bán cho các khách hàng như Hungary và Serbia, và bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua tàu biển. Tuyến trung chuyển qua Ukraine vận chuyển khoảng 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.

Đường ống vận chuyển khí đốt gần Kharkiv, Ukraine trước chiến tranh. Ảnh: Sergey Bobok/AFP/Getty Images.

Đường ống vận chuyển khí đốt gần Kharkiv, Ukraine trước chiến tranh. Ảnh: Sergey Bobok/AFP/Getty Images.

Châu Âu đã chuẩn bị từ lâu cho sự kết thúc của thỏa thuận đường ống Ukraine, bằng cách giảm lượng khí đốt sử dụng và đa dạng hóa các nhà cung cấp. Nhu cầu khí đốt của EU thấp hơn 18% so với năm 2022, trong khi mức dự trữ đạt hơn 95% tính đến ngày 1/11.

Trong suốt cuộc chiến tranh, các nước như Đức đã nhanh chóng xây dựng các bến LNG để tiếp nhận khí đốt từ những nhà sản xuất lớn như Mỹ và Qatar. Các quốc gia EU cũng tăng mua khí đốt từ Na Uy, Azerbaijan và Algeria.

Theo EU, năm 2023, Na Uy là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm khoảng 30% lượng khí đốt nhập khẩu của khối, tiếp theo là Mỹ với 19%.

Trước chiến tranh, Châu Âu đã cung cấp hàng tỷ USD doanh thu cho kho bạc của Moscow. Năm 2023, Gazprom lỗ năm lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ do nguồn cung đến Châu Âu giảm.

Theo nhóm nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, việc chấm dứt thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt của Ukraine có thể khiến Nga mất tới 6,5 tỷ USD doanh thu hàng năm. Con số này sẽ nhỏ hơn so với những lần dừng cung cấp năng lượng trước đó đến Châu Âu.

Ukraine cũng sẽ mất tới 1 tỷ USD một năm phí trung chuyển khí đốt trên lãnh thổ của mình.

Đường ống Yamal-Europe qua Belarus đã dừng vào năm 2022 trong bối cảnh chiến tranh và tranh chấp về thanh toán giữa Ba Lan và Nga. Tuyến Nord Stream qua Biển Baltic đến Đức bị phá hủy năm 2022 bởi một chiến dịch bí mật của Ukraine.

Ngày 1/1, EU cho biết họ đã kỳ vọng thỏa thuận với Ukraine sẽ kết thúc và đã chuẩn bị sẵn sàng. “Tác động của việc chấm dứt trung chuyển qua Ukraine đối với an ninh nguồn cung của EU là hạn chế về cả khối lượng và phạm vi, chỉ ảnh hưởng đến một số ít quốc gia”, khối này cho biết trong một báo cáo gần đây.