VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lãi suất tiết kiệm sẽ tăng trong năm 2025

Lãi suất tiết kiệm sẽ tăng trong năm 2025

17:04 - 26/12/2024

Năm 2025 được hứa hẹn là một năm đầy biến động đối với thị trường tài chính. Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất chính là dự báo về sự tăng trưởng của lãi suất tiết kiệm. Các chuyên gia đều có chung rất định cho rằng, lãi suất tiết kiệm khó giảm và thậm chí có xu hướng đi lên trong năm 2025.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về diễn biến lãi suất của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 11/2024.

Theo công bố, lãi suất tiết kiệm bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,0- 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-5,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,1-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,8-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Thực tế, tính từ đầu tháng 12 đến nay, có hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm mức tăng phổ biến 0,3-0,5%. Cụ thể các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 12 gồm: MB, Techcombank, BVBank, CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank, IVB…

Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đang phổ biến ở mức 5 – 5,5%/năm. Riêng với khách hàng VIP, lãi suất có thể lên tới 5,8-6,4%/năm.

Theo dõi tình hình, các chuyên gia nhận định, do việc rút dần tiền gửi của người dân khỏi hệ thống ngân hàng khiến khó khăn trong việc huy động vốn, nên lãi suất tiền gửi ngân hàng bắt đầu tăng vào tháng 4.

Đến tháng 6, xu hướng tăng của lãi suất rõ rệt hơn. Biểu hiện là tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 3,4% vào cuối tháng 5 lên 6,1% vào cuối tháng 6. Thậm chí, tăng trưởng tín dụng còn vượt xa tăng trưởng huy động, tình trạng vượt từ 2-3 lần đã thúc đẩy cuộc cạnh tranh tăng lãi suất tiền gửi, với một số ngân hàng vượt quá 6%/năm tại một số thời điểm.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng bắt đầu có xu hướng tăng vào tháng 4 năm nay

Thời điểm cuối năm, từ giữa tháng 12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%, tăng 0,6 điểm % chỉ trong một tuần. Xu thế này phản ánh nhu cầu tín dụng tăng tốc trong giai đoạn cuối năm, tạo điều kiện cho các ngân hàng cạnh tranh điều chỉnh lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút nguồn vốn mới. Các chuyên gia cũng dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ dao động từ 4,9% đến 5% vào cuối năm nay.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cũng đưa ra dự báo về xu hướng lãi suất tiết kiệm năm 2025. Theo đó, ông dự đoán lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ, khoảng 0,3% trong năm 2025. Xu hướng này chủ yếu do nhu cầu tín dụng cao và áp lực tỷ giá kéo dài. Tuy nhiên, mức lãi suất tiết kiệm này vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 (khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8-7%/năm).

Cùng chung quan điểm với ông Đinh Quang Hinh, dưới góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cũng khẳng định rằng, có khả năng, lãi suất vẫn tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới.

Việc lãi suất tiết kiệm dự kiến tăng trong năm 2025 là một tín hiệu tích cực cho những người gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tối đa cơ hội này, hãy lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân từ sớm. Có thể tham khảo 2 quy tắc sau:

Quy tắc chia ví

Để có 1 khoản tiền gửi tiết kiệm, hãy áp dụng quy tắc 50-30-20. Theo đó, 50% cho chi phí cần thiết, 30% cho các hoạt động giải trí và 20% cho tiết kiệm.

Hoặc cũng có thể áp dụng quy tắc “chia ví” theo sáu phần bao gồm: 55% cho nhu cầu thiết yếu, 10% cho đầu tư, 10% cho tiết kiệm dài hạn, 10% cho phát triển bản thân, 10% cho hưởng thụ và 5% cho từ thiện. Chia ví như thế này giúp bạn dễ dàng bao quát và kiểm soát thu nhập.

Tuỳ theo thu nhập, các chi chi phí và mục tiêu tiết kiệm để linh hoạt điều chỉnh tỷ lệ sao cho phù hợp.

Quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp đóng vai trò quan trọng khi có sự cố xảy ra. Thay vì phải vay mượn thì quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề phát sinh. Đồng thời nó cũng giúp bạn giảm bớt căng thẳng về tài chính.

Do đó, lập quỹ khẩn cấp được coi là một phần quan trọng trong kế hoạch tài chính của nhiều người.

Để lập được quỹ khẩn cấp này, hãy tính toán tổng chi phí cần trong một tháng, sau đó lên ngân sách, xem xét kỹ các khoản chi tiêu hàng tháng và cắt giảm những khoản không thực sự cần thiết. Sau đó, để ra một khoản dự trữ. Thông thường, cần dự trữ đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt từ khoảng 3-6 tháng. Nếu thu nhập của bạn ổn định, có thể tăng số tháng dự trữ lên. Nếu không dự trữ được số tiền lớn thì hãy bắt đầu từ những khoản tiền nhỏ. Cố gắng chỉ sử dụng quỹ khẩn cấp trong trường hợp thật sự cần thiết.

https://danviet.vn/cuoc-chay-dua-tang-lai-suat-tiet-kiem-keo-dai-den-khi-nao-20241225154116604.htm