VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Làm lộ lọt thông tin trong giao dịch thương mại điện tử: Bị xử phạt nặng

Làm lộ lọt thông tin trong giao dịch thương mại điện tử: Bị xử phạt nặng

09:41 - 03/12/2024

Năm 2023, có 13.900 vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức tại Việt Nam. Các cuộc tấn công thường nhắm vào dữ liệu khách hàng, thông tin thanh toán, và cả cơ sở hạ tầng mạng của doanh nghiệp thương mại điện tử.

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ và trở thành xu hướng ở Việt Nam. Thống kê của Google cho thấy thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm qua, với quy mô lên tới 20 tỷ USD. Theo ước tính của IMARC, ngành TMĐT của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 28% từ năm 2025-2033. Trong khi đó, theo khảo sát của Facebook và Bain & Company, đến năm 2026, Việt Nam được dự báo sẽ vượt qua các quốc gia Đông Nam Á khác và trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực.

Báo cáo mới nhất của e Marketer cũng cho thấy, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Rõ ràng, với tốc độ và quy mô này, TMĐT tại Việt Nam không chỉ trở thành kênh phân phối chính sau đại dịch Covid-19 mà nó còn là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang lại, một vấn nạn nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là việc nhiều đối tượng lợi dụng sự phát triển của TMĐT để thu thập thông tin người tiêu dùng trái phép và sử dụng những thông tin này vào các hành vi vi phạm, thậm chí nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thậm chí mua bán thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng cũng như thị trường TMĐT. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô, hình thức, phương thức lẫn thủ đoạn.

Theo e Marketer, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Theo đó, Báo cáo tổng kết An ninh mạng Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 do Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) tiết lộ, tình trạng lộ dữ liệu của người dùng tại Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động.

Thiệt hại do gian lận TMĐT trong năm 2022 đã được tính đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, Bộ Công An đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân của khách hàng.

Đến năm 2023, có 13.900 vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức tại Việt Nam. Như vậy, trung bình mỗi tháng xảy ra 1.160 vụ, tăng 9,5% so với năm 2022. Các cuộc tấn công thường nhắm vào dữ liệu khách hàng, thông tin thanh toán, và cả cơ sở hạ tầng mạng của doanh nghiệp TMĐT.

Các vụ việc mất thông tin cá nhân thường bao gồm việc đánh cắp thông tin thanh toán, thông tin cá nhân, và tài khoản đăng nhập từ các trang web thương mại điện tử bị xâm nhập, dẫn đến nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho người dùng.

Bộ Công An đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân của khách hàng.

Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, các văn bản pháp luật hiện hành yêu cầu bảo mật thông tin cá nhân khách hàng trong các giao dịch TMĐT.

Cụ thể, trong giao dịch điện tử, hành vi thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu… bị nghiêm cấm.

Đặc biệt, tại Điều 69 Nghị định 52/2013/NĐ-CP có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, thương nhân là phải đảm có chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng. Chính sách này phải rõ ràng để khách hàng và người tiêu dùng có thể nắm rõ thông tin cá nhân của mình được thu thập và sử dụng vào mục đích gì, nếu như những thông tin đó rò rỉ ngoài nằm ngoài mục đích đã cam kết thì tổ chức, cá nhân đó hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.

Nếu các doanh nghiệp hoặc chủ sàn giao dịch vi phạm những quy định về bảo mật thông tin khách hàng theo quy định trên sẽ bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Theo khoản 2, Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân, thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Trong bối cảnh giao dịch thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu khách hàng trở thành một vấn đề cấp thiết. Việc các cơ quan chức năng đã ra nhiều quy định cùng các mức phạt nặng đối với hành vi này nhằm răn đe và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo lĩnh vực thương mại điện tử phát triển bền vững.

https://www.anninhthudo.vn/lam-lo-lot-thong-tin-trong-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-bi-xu-phat-nang-post597057.antd