VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát giá tiêu dùng ở Trung Quốc xuống thấp nhất 2 năm

Lạm phát giá tiêu dùng ở Trung Quốc xuống thấp nhất 2 năm

14:20 - 12/05/2023

Lạm phát rất thấp đặt ra câu hỏi về sự phục hồi chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn 2 năm, phản ánh những bất ổn trong triển vọng chi tiêu tiêu dùng – một động lực quan trọng của đợt phục hồi kinh tế sau 3 năm thực hiện những hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19.

Theo dữ liệu công bố ngày 11/5 bởi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 0,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, giảm hơn nữa so với mức tăng 0,7% trong tháng 3. Kết quả này đánh dấu tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và thấp hơn tỷ lệ 0,4% mà các nhà kinh tế dự đoán.

Lạm phát giá tiêu dùng ở nền kinh tế thứ hai thế giới là 0,1% trong tháng 4.

Lạm phát giá tiêu dùng ở nền kinh tế thứ hai thế giới là 0,1% trong tháng 4.

Các nhà kinh tế nhận định rằng lạm phát tiêu dùng thấp của Trung Quốc cho thấy sự phục hồi nhu cầu trong nước rất mong manh, khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao, thị trường nhà ở bấp bênh và lợi nhuận doanh nghiệp suy yếu ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Nước này báo cáo mức tăng trưởng GDP 4,5% trong quý I so với cùng kỳ năm trước, với động lực chính đến từ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng sau khi Bắc Kinh loại bỏ hầu hết các hạn chế đại dịch vào cuối năm ngoái.

Dữ liệu lạm phát rất thấp cho thấy Trung Quốc đang gặp vấn đề ngược với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, nơi lạm phát vẫn cao dù đã giảm sau những đợt tăng lãi suất mạnh của các ngân hàng trung ương.

Theo Ding Shuang – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc ở Ngân hàng Standard Chartered – dữ liệu lạm phát tháng 4 cho thấy sự phục hồi vẫn không đồng đều, với nhu cầu cho dịch vụ vượt xa nhu cầu cho hàng hóa. Giá thịt lợn và giá rau lần lượt giảm 4% và 13,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát có thể cao hơn trong tháng 5 khi hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc đã đổ xô đến các điểm du lịch trong kỳ nghỉ Ngày Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày vào đầu tháng 5 – kỳ nghỉ lễ lớn đầu tiên sau 3 năm mà không có bất kỳ hạn chế Covid-19 nào. Doanh thu du lịch trong kỳ nghỉ này tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn thận trọng về mức độ bền vững của sự bùng nổ chi tiêu này. Vào cuối tháng 4, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, bao gồm việc tăng thêm cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi từ 16 đến 24 tăng lên 19,6% trong tháng 3, gần mức cao kỷ lục.

“Nhu cầu vẫn chưa đủ”, Bộ Chính trị cho biết, theo một bài báo của Tân Hoa Xã. “Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua để thúc đẩy phát triển chất lượng cao”.

Mặc dù chỉ số lạm phát tiêu dùng tháng 4 đặt nền kinh tế Trung Quốc rất gần với giảm phát, các nhà kinh tế nói rằng nhìn chung, họ kỳ vọng sự phục hồi sẽ tiếp tục đi đúng hướng và lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) cao hơn trong phần còn lại của năm.

Do đó, ông Ding và các nhà kinh tế khác cho rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc ít khả năng cắt giảm lãi suất chính sách trong tương lai gần để thúc đẩy tăng trưởng. Một phần vì họ kỳ vọng Trung Quốc vẫn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay mà không cần kích thích.

Tuy nhiên, tuần này, Standard Chartered hạ dự báo lạm phát tiêu dùng cả năm xuống 1%, sau khi dự đoán trước đó là 2,3%, với lý do nhu cầu ảm đạm và giá lương thực và năng lượng giảm.

Giá sản xuất trong tháng 4 giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm, sau khi giảm 2,5% trong tháng 3 do hoạt động sản xuất yếu hơn vì nhu cầu xuất khẩu kém, cũng như giá kim loại và năng lượng giảm.