VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lạm phát khu vực đồng euro đạt kỷ lục 8,6%

Lạm phát khu vực đồng euro đạt kỷ lục 8,6%

16:20 - 02/07/2022

Giá năng lượng và lương thực tăng mạnh có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn dự kiến hiện tại.

Tốc độ tăng giá cả tại khu vực đồng euro đạt mức cao kỷ lục 8,6% theo năm tính đến hết tháng 6, khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đau đầu về tốc độ tăng lãi suất theo kế hoạch.

Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng từ 8,1% vào tháng 5, sau khi giá năng lượng và lương thực tăng mạnh ở nhiều quốc gia do gián đoạn nguồn cung vì chiến tranh Nga-Ukraine. Áp lực giá cả tăng trong khối áp đảo mức giảm lạm phát ở Đức nhờ trợ cấp giao thông và điện.

Giá thực phẩm, rượu bia và thuốc lá ở khu vực đồng euro tăng 8,9% trong năm kết thúc vào tháng 6.

Giá thực phẩm, rượu bia và thuốc lá ở khu vực đồng euro tăng 8,9% trong năm kết thúc vào tháng 6.

Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò trước đó dự đoán lạm phát của khu vực là 8,4%. Claus Vistesen – một nhà kinh tế học tại Pantheon Macroeconomics – cho biết mức tăng lớn hơn dự kiến ​​”làm gia tăng rủi ro” ECB sẽ tăng lãi suất hơn mức 1/4 điểm phần trăm dự kiến ​​tại cuộc họp trong 3 tuần nữa. Ông nói thêm rằng ngân hàng trung ương này đã “cực kỳ chậm trễ”.

Tại diễn đàn thường niên của ngân hàng ở Sintra, Bồ Đào Nha trong tuần này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết rằng họ sẽ bám sát kế hoạch bắt đầu tăng lãi suất với mức tăng 25 điểm cơ bản vào ngày 21/7. Bà cho biết nhiều khả năng có một động thái lớn hơn vào tháng 9, trừ khi lạm phát chậm lại nhanh chóng.

ECB đang cố gắng thực hiện việc cân bằng giữa đảo ngược gần một thập kỷ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để kiềm chế lạm phát trong khi tránh kéo khu vực vào cuộc suy thoái sâu hoặc một cuộc khủng hoảng nợ khác – sau khi chi phí đi vay tăng mạnh ở các nước như Ý.

Fabio Panetta – thành viên ôn hòa nhất của ban điều hành ECB – cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu rằng việc tăng lãi suất nên “từ từ” bởi vì không giống như Mỹ, lạm phát cao “không phản ánh nhu cầu dư thừa trong khu vực đồng euro”. “Tiêu dùng và đầu tư vẫn ở dưới mức trước đại dịch và thậm chí còn kém hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch”, Panetta nói. Khi lãi suất tiền gửi của ECB tăng từ âm 0,5% trở lại mức 0, bất kỳ động thái nào tiếp theo “sẽ phụ thuộc vào diễn biến của triển vọng lạm phát và nền kinh tế”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, một số thành viên cứng rắn hơn trong hội đồng thống đốc của ECB – bao gồm một số người ở vùng Baltics, nơi lạm phát cao nhất – có kế hoạch vận động cho mức tăng lãi suất hơn 50 điểm phần trăm vào tháng 7 vì lo ngại rằng áp lực giá có ít dấu hiệu giảm bớt. Tỷ lệ thất nghiệp ở 19 nước sử dụng đồng euro đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,6% trong tháng 5, có khả năng gây thêm áp lực tăng lương.

Christoph Weil – nhà kinh tế học tại Commerzbank – dự đoán lạm phát của khu vực đồng euro sẽ là 7,5% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB. Ông nói: “Các công đoàn sẽ yêu cầu bồi thường ít nhất một phần cho lạm phát cao hơn trong các cuộc đàm phán tiền lương sắp tới”.

Lạm phát đã tăng ở 17 trong số 19 quốc gia khu vực đồng euro vào tháng 6, chỉ chậm lại ở Đức và Hà Lan, theo ước tính nhanh từ Eurostat vào thứ Sáu. Nó tăng ở mức 2 con số tại 9 nước thành viên và trên 20% ở Estonia và Lithuania. Tỷ lệ lạm phát thấp nhất là ở Malta và Pháp – lần lượt 6,1% và 6,5%.

Giá năng lượng tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay đối với khu vực đồng euro: gần 42% vào tháng 6 sau khi Nga giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá trong khối tăng 8,9%, phản ánh sự gián đoạn nguồn cung hàng hóa nông nghiệp do cuộc xung đột Ukraine gây ra.

Marcus Widén, chuyên gia kinh tế tại SEB cho biết: “Ngay cả khi nhu cầu giảm mạnh hơn trong vài tháng tới, chúng tôi nghĩ rằng không phải tất cả chi phí đầu vào đã được chuyển qua nền kinh tế”.

Lạm phát cơ bản – không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm – giảm nhẹ xuống 3,7% trong tháng 6, phản ánh chi phí giao thông công cộng rẻ hơn do chính phủ trợ cấp. Các biện pháp này bao gồm vé tàu 9 USD/tháng tạm thời của Đức, giúp làm chậm tỷ lệ lạm phát của đất nước xuống còn 8,2%.