VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lạm phát lên cao nhất kể từ tháng 3

Lạm phát lên cao nhất kể từ tháng 3

08:11 - 31/08/2023

CPI tháng 8 tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Giá cả trong tháng vừa qua được thúc đẩy bởi giá xăng dầu và giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới.

Lạm phát trong nước tăng tháng thứ hai liên tiếp và lên mức cao nhất trong 5 tháng gần đây, được thúc đẩy bởi giá cả các nhóm hàng gồm xăng dầu, gạo và nhà ở thuê.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 cao hơn 2,96% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh so với mức 2,06% trong tháng 7 và cao nhất kể từ khi lạm phát đạt 3,35% hồi tháng 3.

Lạm phát trong tháng 7 và tháng 8 cho thấy xu hướng tăng trở lại, sau khi đã giảm trong 5 tháng liên tiếp kể từ khi đạt mức cao nhất 3 năm trong tháng 1.

Đáng chú ý, CPI tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước – tốc độ cao nhất kể từ tháng tháng 2/2022.

Nguyên nhân chính khiến giá cả tăng mạnh trong tháng vừa qua là giá xăng dầu. Theo Tổng cục Thống kê, 3 đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng 8 khiến giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước và dầu diesel tăng 15,9%. Điều này khiến giá của nhóm giao thông tăng 3,85% – mức tăng cao nhất trong số 11 nhóm hàng được thống kê.

Gạo cũng tăng giá mạnh trong tháng 8, ở mức 4,41% so với tháng 7. Nguyên nhân đến từ giá gạo xuất khẩu tăng do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Giá nhà ở thuê tăng 0,8% so với tháng trước do chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu thuê nhà tăng.

Giá xăng dầu tháng 8 tăng mạnh so với tháng 7, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 4,09%, giúp kiềm chế lạm phát theo năm. Tuy nhiên, tác động giảm lạm phát từ giá xăng dầu sẽ kém hơn trong các tháng cuối năm nay vì giá xăng dầu cuối năm 2022 không còn cao như đầu năm 2022.

Trong một năm qua, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng giá mạnh nhất ở mức 7,14%. Nhóm giáo dục, và hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng hơn 5%.

Lạm phát cơ bản – không bao gồm giá lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục – là 4,02% trong tháng 8. Từ đầu năm đến nay, lạm phát cơ bản liên tục giảm nhưng tốc độ giảm chậm khi chỉ hạ nhiệt 1,2 điểm phần trăm so với tháng 1. Lạm phát cơ bản được các nhà kinh té coi là chỉ báo tốt hơn cho lạm phát trong tương lai vì nó loại trừ các mặt hàng có giá cả dễ biến động.

Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ.