VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lạm phát nóng lên trong tháng 1, ngăn chặn khả năng Fed giảm lãi suất

Lạm phát nóng lên trong tháng 1, ngăn chặn khả năng Fed giảm lãi suất

14:24 - 13/02/2025

Giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 1 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát gặp các trở ngại mới như thuế quan.

Giá tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 1, làm lu mờ hy vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất khi tăng trưởng kinh tế và việc làm vẫn vững chắc.

Ngày 12/2, Bộ Lao động báo cáo rằng giá tiêu dùng trong tháng 1 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, hơn mức 2,9% mà các nhà kinh tế dự báo. Lạm phát cũng tăng tốc từ mức 2,9% của tháng 12/2024.

Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng về Bắc Mỹ tại Capital Economics, nhận xét: “Lạm phát hiện đã dao động quanh mức này trong một thời gian và rõ ràng là không còn giảm quyết liệt nữa”.

Giá tăng 0,5% so với tháng trước trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 8/2023.

Giá cơ bản – loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động – tăng 0,4% so với tháng 12 trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, mức tăng lớn nhất trong gần 2 năm. Lạm phát cơ bản là 3,3% theo năm.

Giá trứng tăng hơn 15% – kết quả của một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm – mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2015.

Lạm phát ở Mỹ đã dao động quanh mức 3% trong nhiều tháng. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg.

Lạm phát ở Mỹ đã dao động quanh mức 3% trong nhiều tháng. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg.

Dữ liệu mới xuất hiện vào thời điểm không chắc chắn đối với nền kinh tế Mỹ. Theo hầu hết các thước đo, nó đang ở một vị thế mạnh, với tăng trưởng GDP vững chắc, tỷ lệ thất nghiệp thấp và tỷ lệ lạm phát đã giảm mạnh so với mức đỉnh gần đây khoảng 9% hồi năm 2022.

Cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump ban đầu tạo ra một làn sóng lạc quan từ cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, hy vọng vào khả năng giảm thuế và bỏ quy định.

Nhưng đã xuất hiện một số dấu hiệu lo ngại trong bối cảnh các lời đe dọa áp thuế quan, các cuộc truy quét trục xuất và hàng loạt sắc lệnh hành pháp của ông Trump. Kết quả sơ bộ của một cuộc khảo sát doanh nghiệp nhỏ do Vistage Worldwide thực hiện cho thấy sự gia tăng niềm tin hậu bầu cử đã bị đảo ngược vào tháng 2. Tuần trước, Đại học Michigan cho biết chỉ số sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng của họ đã giảm vào tháng 2 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024.

Cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát trong năm tới đã tăng vọt từ 3,3% vào tháng 1 lên 4,3% vào tháng 2. Theo các nhà kinh tế, mức tăng này dường như ít nhất một phần do lo ngại của người tiêu dùng rằng thuế quan sẽ làm tăng giá cả.

Ông Trump đã hoãn thực hiện một số lời đe dọa thuế quan của mình nhưng thực thi một số lời đe dọa khác, bao gồm thêm 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và bắt đầu từ tháng tới, áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu.

Việc ông Trump tăng thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình – hồi năm 2018 và 2019 – tác động rất ít lên lạm phát. Nhưng các nhà kinh tế nói rằng những đề xuất áp thuế hiện tại của ông rộng hơn và nhắm vào nhiều mặt hàng tiêu dùng hơn.

Sau 3 lần giảm lãi suất liên tiếp vào cuối năm ngoái, tháng trước, Fed đã tạm dừng giảm thêm, bước vào giai đoạn chờ đợi và xem xét.

“Chúng tôi đang ở vị thế khá tốt với nền kinh tế này. Chúng tôi muốn đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa về lạm phát. Và chúng tôi nghĩ rằng lãi suất chính sách của chúng tôi đang ở vị thế tốt và chúng tôi không thấy lý do gì để vội vàng giảm thêm”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với Quốc hội.