VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát ở Mỹ giảm xuống một nửa so với đỉnh năm ngoái

Lạm phát ở Mỹ giảm xuống một nửa so với đỉnh năm ngoái

10:14 - 14/06/2023

Lạm phát 4% trong tháng 5 cho thấy nỗ lực của Fed đang có tiến bộ, nhưng lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu dài hạn 2% của cơ quan này.

Lạm phát tháng 5 ở Mỹ bằng khoảng một nửa so với mức đỉnh của năm ngoái nhưng vẫn cao, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực hạ nhiệt áp lực giá cả nhưng có thể còn nhiều việc phải làm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần đây là 9,1% vào tháng 6 năm ngoái, và giảm so với mức 4,9% của tháng 4.

Ngày 13-14/6, các quan chức Fed sẽ họp để tranh luận xem liệu có nên tạm dừng tăng lãi suất sau khi tăng mạnh chúng từ năm ngoái để làm chậm nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, mà mục tiêu dài hạn là 2%. Tháng trước, Fed đã nâng lãi suất chuẩn 1/4 điểm phần trăm lên khoảng từ 5% đến 5,25%, cao nhất trong 16 năm.

Nếu Fed giữ nguyên lãi suất trong tuần này, họ có thể xem xét khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 7 hay một cuộc họp sau đó trong năm nay.

Tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước ở Mỹ.

Tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước ở Mỹ.

Sarah House – chuyên gia kinh tế cấp cao tại Wells Fargo – nhận xét về dữ liệu lạm phát mới: “Không nên nhầm lẫn tiến bộ đúng hướng với công việc hoàn thành”.

Giá tiêu dùng cơ bản (loại trừ thực phẩm và năng lượng) tăng 5,3% trong tháng 5 so với một năm trước đó, giảm từ mức 5,5% trong tháng 4. Các nhà kinh tế coi giá cơ bản là chỉ báo tốt hơn về lạm phát trong tương lai.

Giá cơ bản vẫn cao một phần do giá thuê nhà đã tăng từ trước tiếp tục xuất hiện trong dữ liệu. Tốc độ tăng giá thuê nhà đã hạ nhiệt đáng kể – giảm xuống chỉ còn dưới 2% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 5, so với mức tăng hai con số một năm trước. Nhưng cần có thời gian để điều này xuất hiện trong dữ liệu lạm phát vì cách tính giá thuê nhà có độ trễ.

Giá tiêu dùng chung tăng 0,1% (điều chỉnh theo mùa) trong tháng 5 so với tháng trước, giảm so với mức tăng 0,4% của tháng 4. Giá tiêu dùng cơ bản tăng 0,4% trong tháng 5 so với tháng trước, cùng tốc độ với tháng 4 và tháng 3, cho thấy áp lực giá cơ bản vẫn còn nhiều.

Giá nhà ở, xe cũ và giá thực phẩm thúc đẩy lạm phát tháng 5. Ngược lại, giá xăng giảm 5,6% trong tháng 5 so với tháng 4 và giá năng lượng khác cũng giảm.

Các quan chức Fed gần đây tập trung vào giá cho một nhóm nhỏ các dịch vụ sử dụng nhiều lao động bằng cách loại trừ giá thực phẩm, năng lượng, hàng hóa và nhà ở. Họ tin rằng danh mục đó có thể tiết lộ mức độ mà tiền lương tăng ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Nhà kinh tế Michael Feroli của J.P. Morgan cho biết danh mục đó tăng 0,24 điểm phần trăm trong tháng 5, gần với mức trung bình trong 2 thập kỷ trước đại dịch.

Nền kinh tế Mỹ duy trì tăng trưởng trong năm nay, trái với những dự đoán về suy thoái. Thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ và người tiêu dùng thúc đẩy chi tiêu, mặc dù một thước đo cho thấy sản lượng kinh tế đang giảm. Một cuộc khủng hoảng tín dụng có thể xảy ra sau khi một số ngân hàng khu vực sụp đổ vào tháng 3 có thể làm suy yếu nền kinh tế.

Theo Aichi Amemiya – nhà kinh tế về Mỹ tại Nomura Securities – cho rằng Fed có thể cần thời gian để đánh giá liệu chính sách lãi suất và căng thẳng ngân hàng có đủ gây áp lực giảm giá tiêu dùng hay không.