VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát ở Mỹ cao nhất 40 năm

Lạm phát ở Mỹ cao nhất 40 năm

11:47 - 11/03/2022

Lạm phát ở Mỹ đạt 7,9% trong tháng 2, với dự báo rằng giá năng lượng và hàng hóa sẽ tiếp tục gây áp lực lên chi phí tiêu dùng vốn đã cao.

Giá năng lượng, thực phẩm và dịch vụ tăng cao đẩy mức lạm phát theo năm vốn đã cao của Mỹ lên mức 7,9% vào tháng trước – cao nhất trong 4 thập kỷ. Áp lực giá cả được dự báo tiếp tục gia tăng do sự gián đoạn thị trường năng lượng và hàng hóa từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Bộ Lao động Mỹ cho biết rằng giá năng lượng cao hơn, bao gồm giá xăng, cùng với đó là chi phí thực phẩm, nhà hàng, dịch vụ vận tải và quần áo, là những nguyên nhân thúc đẩy lạm phát.

Nhu cầu hàng hóa mạnh mẽ từ người tiêu dùng và những hạn chế trong chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19 khiến lạm phát ở Mỹ gia tăng trong năm qua. Thị trường lao động thắt chặt cũng đẩy tiền lương lên cao hơn và dẫn đến có nhiều việc làm hơn số người tìm việc, khiến các doanh nghiệp khó theo kịp nhu cầu.

Các nhà kinh tế dự báo giá cả sẽ tăng thêm do những ảnh hưởng cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, sau khi giá dầu thô trong tháng 3 đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 và giá xăng ở Mỹ tăng kỷ lục.

Joel Naroff, nhà kinh tế trưởng của Naroff Economics LLC, cho biết: “Chúng tôi từng nghĩ rằng lạm phát sẽ giảm xuống, đặc biệt là nhờ tháo gỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng chúng tôi không rõ chuyện ở Ukraine sẽ làm rối loạn chuỗi cung ứng như thế nào”.

Giá xăng tăng kỷ lục ở Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Giá xăng tăng kỷ lục ở Mỹ.

So với tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,8% sau khi điều chỉnh theo mùa. Giá xăng tăng 6,6% so với tháng trước, với mức tăng theo năm là 38%. Thực phẩm tăng 1,4% so với tháng trước và tỷ lệ tăng theo năm là 8,6%. Chi phí thuê nhà ở tăng với tốc độ chậm hơn là 4,7% so với một năm trước.

Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách từng hy vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào mùa xuân này khi các chuỗi cung ứng dần phục hồi và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu một loạt những đợt tăng lãi suất, dự kiến ​​vào tuần tới. Tuy nhiên, chiến tranh bùng nổ làm tăng giá dầu, lúa mì và kim loại quý, đe dọa lạm phát cao trong thời gian dài.

Những gián đoạn kinh tế do cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và phản ứng toàn cầu có thể gây ra lạm phát cao hơn nữa, một phần vì Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới. Một phép tính đơn giản, mà Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc đến vào tuần trước, là giá dầu tăng 10 USD/thùng đẩy lạm phát chung tăng 0,2 điểm phần trăm. Dầu thô Brent – tiêu chuẩn toàn cầu – đã tăng khoảng 40 USD/thùng kể từ đầu năm.

Ngoài ra, Nga cũng có vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu về các sản phẩm kim loại được sử dụng trong sản xuất ô tô, máy bay và các thành phần trong phân bón – một chi phí lớn trong sản xuất lương thực.

Do vai trò của Nga trong năng lượng và các thị trường hàng hóa khác, “chúng ta sẽ chứng kiến áp lực gia tăng đối với lạm phát ít nhất là một thời gian nữa”, ông Powell nói với Thượng viện Mỹ vào tuần trước.

Ông Powell kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 15-16/3 với các mức tăng bổ sung sau đó trong năm. Kế hoạch này đã được xây dựng trước chiến tranh Nga – Ukraine.

“Tôi nghĩ rằng tình hình thích hợp để chúng tôi tiến hành theo lộ trình đặt ra trước cuộc xâm lược Ukraine”, ông Powell nói. “Trong thời điểm rất nhạy cảm hiện tại, điều quan trọng là chúng tôi phải cẩn thận trong cách thực hiện chính sách, đơn giản vì mọi thứ quá bất ổn và chúng tôi không muốn thêm vào sự bất ổn đó”.

Một số nhà kinh tế cho rằng lạm phát vẫn có khả năng sắp đạt đỉnh, có thể sớm nhất là trong tháng này. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine làm tăng khả năng mức đỉnh cao hơn và tốc độ hạ nhiệt chậm hơn.

Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết: “Động lực ở phía chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi chiến tranh”. Hiện, bà đã nâng dự báo lạm phát vào cuối năm 2022 lên gần 4% thay vì 3%.

Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, cho biết: “Giá năng lượng giảm trở lại, hạn chế nguồn cung dần dần giảm bớt và các tác động cơ bản thuận lợi hơn có nghĩa là tháng 3 sẽ là đỉnh”.