VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát ở Mỹ tăng tốc lên 8,5% trong tháng ba

Lạm phát ở Mỹ tăng tốc lên 8,5% trong tháng ba

09:26 - 13/04/2022

Lạm phát ở Mỹ cao hơn 6% trong 6 tháng liên tiếp, được thúc đẩy bởi chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt, chuỗi cung ứng tiếp tục thắt chặt và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ.

Lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao mới trong 4 thập kỷ là 8,5% vào tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt, các hạn chế về nguồn cung và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ.

Hôm thứ Ba, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng trước tăng với tốc độ theo năm nhanh nhất kể từ tháng 12/1981 và cao hơn mức 7,9% hàng năm của tháng 2. Giá cả tăng không ngừng, với 6 tháng liên tiếp lạm phát trên 6%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Bộ Lao động Mỹ, Wall Street Journal.

Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Bộ Lao động Mỹ, Wall Street Journal.

Việc Nga xâm lược Ukraine khiến giá xăng dầu tăng mạnh trong tháng 3. Bộ Lao động cho biết giá năng lượng tăng 11% so với tháng 2. Giá thực phẩm tăng nhanh trong tháng vừa qua, cao hơn 1,5% so với một tháng trước, trong khi chi phí ăn ngoài tăng vừa phải.

Chỉ số giá cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) tăng 6,5% trong tháng 3 so với một năm trước đó – cao hơn mức 6,4% của tháng 2 và là mức tăng mạnh nhất theo năm kể từ tháng 8/1982. Trong khi có ít dấu hiệu cho thấy lạm phát sắp tiến tới mức đỉnh, chỉ số cơ bản tăng chậm lại và ở mức 0,3% theo tháng, sau 5 tháng liên tiếp tăng ít nhất 0,5%.

So với tháng trước, CPI chung tăng tốc lên 1,2%, từ mức 0,8% trong tháng 2. Đây là mức tăng nhanh nhất trong một tháng kể từ năm 2005.

Lạm phát cao là mặt trái của tăng trưởng bùng nổ khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19. Điều này tạo ra thế khó cho Fed khi ngân hàng trung ương này phải thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát mà không làm chậm tốc độ tăng trưởng.

Blerina Uruci, nhà kinh tế về Mỹ tại T. Rowe Price Group, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến ​​đà lạm phát mạnh trên diện rộng, cả đối với hàng hóa và dịch vụ”. Bà cho biết các hạn chế về chuỗi cung ứng tiếp tục đẩy giá tăng lên, trừ chi phí ô tô đã qua sử dụng.

“Đối với tôi, đó là một cảnh báo đỏ”, bà nói. “Cảnh báo đỏ kia là cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine và sự trỗi dậy của Covid ở Trung Quốc. Những điều đó gây ra rủi ro khiến cái gọi là bình thường hóa chuỗi cung ứng mất nhiều thời gian hơn để thành hiện thực”.

Giá vé máy bay tăng 10,7% trong tháng 3 so với tháng 2, khi nhu cầu đi lại phục hồi từ làn sóng Covid-19 gần nhất. Giá vé máy bay cao hơn 23,6% so với một năm trước. Giá ô tô – động lực quan trọng trong làn sóng lạm phát những tháng gần đây – hạ nhiệt trong tháng 3. Trong đó, giá ô tô cũ tháng trước giảm 3,8% so với tháng 2, mặc dù vẫn cao hơn 35,3% so với một năm trước. Giá ô tô mới chỉ tăng 0,2% trong tháng 3 so với tháng 2.

Lạm phát cao và gia tăng tạo ra áp lực buộc Fed phải tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay. Ngân hàng trung ương này lần đầu tiên tăng lãi suất chuẩn kể từ năm 2018 vào tháng 3 vừa qua. Với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và lạm phát cao, nhiều quan chức Fed bày tỏ ủng hộ việc tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm – thay vì 1/4 điểm như truyền thống – tại cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 5.

Giá thực phẩm từ thịt đến ngũ cốc đang tác động vào ví tiền của người tiêu dùng Mỹ.

Giá thực phẩm từ thịt đến ngũ cốc đang tác động vào ví tiền của người tiêu dùng Mỹ.

Giá năng lượng tăng vọt vào đầu tháng 3 khi giá dầu thô lên cao do cuộc chiến tranh ở Ukraine. Mặc dù giá xăng đã giảm nhẹ trong những tuần gần đây nhưng vẫn ở gần mức cao kỷ lục. Lạm phát thực phẩm cũng đang đánh vào hóa đơn mua hàng của người tiêu dùng. Giá thịt tăng 14,8% trong tháng 3 so với một năm trước. Giá ngũ cốc ăn sáng tăng 9,2% trong năm qua, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1989. Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể sẽ gây thêm áp lực trong những tháng tới do gián đoạn đến ngành sản xuất lúa mì và phân bón toàn cầu.

Richard F. Moody, nhà kinh tế trưởng tại Regions Financial Corp, cho biết gánh nặng tăng giá có thể khiến người dân thắt chặt hầu bao. Mức chi tiêu của người tiêu dùng giảm tốc trong tháng 2, chỉ tăng 0,1% so với tháng 1, nhưng vẫn cao hơn 13,7% so với một năm trước. Ông cho biết: “Có thể xảy ra tình trạng “sốc giá” khi người ta đi đổ xăng hoặc đến cửa hàng thực phẩm. Các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình đang phải chọn lựa vì họ phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm và năng lượng”.