VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lạm phát tăng tháng thứ 5 liên tiếp

Lạm phát tăng tháng thứ 5 liên tiếp

13:27 - 29/01/2023

CPI tháng 1 cao hơn 4,89% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp lạm phát tăng. Lạm phát cơ bản vượt 5%.

Tốc độ lạm phát tăng tháng thứ năm liên tiếp trong tháng đầu tiên của năm 2023, trong bối cảnh giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng vì nhu cầu mua sắm cao vào dịp Tết. So với tháng trước, mặt bằng giá cả cũng tăng vì giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.

Trong 12 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,89%, cao hơn tỷ lệ lạm phát của tháng trước là 4,37%. Áp lực lạm phát được ghi nhận trên diện rộng với 10/11 nhóm hàng tiêu dùng tăng giá.

Nhóm giáo dục tăng cao nhất với tốc độ 11,6% do nhiều tỉnh, thành phố tăng học phí trong năm học 2022-2023 sau khi thực hiện một số biện pháp miễn, giảm học phí trong năm học trước vì đại dịch.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,94% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng lần lượt 6,08% và 5,3% do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này tăng sau khi kết thúc các hạn chế liên quan đến Covid-19.

Nhóm giao thông chỉ tăng 0,05% trong một năm qua, chủ yếu do giá vé dịch vụ đi lại, trong khi giá xăng dầu giảm 7,08%.

Chỉ có nhóm bưu chính, viễn thông giảm giá 0,21% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

So với tháng 12/2022, CPI tháng 1/2023 tăng 0,52%, cao hơn con số 0,39% của tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, có 8 nhóm tăng giá, 2 nhóm giảm giá và nhóm bưu chính viễn thông đứng giá.

Nhóm giao thông ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất trong tháng là 1,39%, do giá xăng trong nước tăng theo giá thế giới và thuế bảo vệ môi trường tăng từ ngày 1/1/2023. Những yếu tố trên làm giá xăng trong tháng 1 tăng 2,31% so với tháng trước.

Nhóm đồ uống và thuốc lá, và hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng mạnh, lần lượt ở mức 1,12% và 0,82%, do nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết nguyên đán.

Tiếp tục xu hướng của các tháng trước, lạm phát cơ bản tháng này cũng cao hơn so với lạm phát chung, ở mức 5,21%. Con số này cũng cao hơn mức lạm phát cơ bản của tháng trước là 4,99%. So với tháng trước, CPI cơ bản tăng 0,46%.

Lạm phát cơ bản các tháng gần đây luôn cao hơn lạm phát chung vì trong nửa cuối năm 2022, giá xăng dầu giảm đóng vai trò như một yếu tố kiềm chế lạm phát chung, nhưng mặt hàng này không được tính vào CPI cơ bản, cũng như lương thực, thực phẩm tươi sống và dịch vụ y tế, giáo dục do Nhà nước quản lý.