VNReport»Kinh tế»Lạm phát tháng 7 hạ nhiệt nhờ giá xăng dầu giảm

Lạm phát tháng 7 hạ nhiệt nhờ giá xăng dầu giảm

10:53 - 29/07/2022

Mặc dù lạm phát toàn phần giảm so với tháng 6, lạm phát cơ bản tăng đáng kể và đà tăng giá được ghi nhận ở hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo chính của lạm phát ­– tăng 3,14% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm thứ Sáu. Đây lần đầu tiên lạm phát đi xuống kể từ tháng 2.

Trước đó, lạm phát đã tăng 4 tháng liên tiếp và đạt mức 3,37% trong tháng 6 – mức cao nhất trong hơn 2 năm.

CPI tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, thấp hơn con số 0,69% của tháng 6.

Trong khi lạm phát toàn phần giảm tốc so với tháng 6, lạm phát cơ bản (không bao gồm nhiên liệu và thực phẩm) lại tăng tốc, cho thấy xu hướng tăng giá đang lan rộng hơn trên toàn nền kinh tế. CPI cơ bản tăng 0,58% theo tháng, cao hơn mức 0,44% được ghi nhận trong tháng 6. Điều này khiến lạm phát cơ bản theo năm tăng từ 1,98% lên 2,63%.

Lạm phát tháng 7 hạ nhiệt nhờ giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, đà tăng giá vẫn được ghi nhận rộng rãi ở tất cả các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Riêng nhóm giao thông giảm 2,85%, làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng nhanh nhất được ghi nhận ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với chỉ số giá tăng 1,37% so với tháng trước, đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào mức tăng CPI chung. Giá lương thực tăng 0,31%, thực phẩm tăng 1,6% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28%. Đáng chú ý, giá thịt lợn tăng 4,29% trong tháng 7 do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao – làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng giá 0,79% so với tháng trước, chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 0,79%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,49% vì giá điện, nước sinh hoạt, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở đều tăng giá.

Xăng dầu là nhân tố chủ yếu kiềm chế đà tăng của CPI tháng này, với giá xăng giảm 8,68% và dầu diesel giảm 4,03%.

Mặc dù giao thông là nhóm hàng hóa duy nhất giảm giá so với tháng trước, đây lại là thủ phạm chính khiến CPI tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, từ tháng 7/2021 đến nay, giá cả của nhóm này tăng 15,22%, làm CPI chung tăng 1,47 điểm phần trăm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là giá xăng dầu tăng 37,84%.

So với cùng kỳ năm trước, có đến 9 nhóm hàng tăng giá và chỉ 2 nhóm giảm giá (bưu chính viến thông và giáo dục).

So với tháng 12/2021, CPI tháng 7 đã tăng 3,59% – không còn xa so với mục tiêu 4% của Chính phủ cho cả năm nay. 10 nhóm hàng tăng giá từ đầu năm, với vị trí đứng đầu thuộc về nhóm giao thông – tăng 11,16% do giá xăng dầu tăng 25,79% qua 19 đợt điều chỉnh giá.