VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát trong nước xuống 2%, nhưng lạm phát cơ bản vẫn cao dai dẳng

Lạm phát trong nước xuống 2%, nhưng lạm phát cơ bản vẫn cao dai dẳng

13:58 - 29/06/2023

Lạm phát tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022 và đã hạ 3 điểm phần trăm kể từ tháng 1/2023. Nhưng lạm phát toàn phần vẫn lên tới 4,33%, chỉ hạ chưa đến 1 điểm phần trăm so với 5 tháng trước.

Tình hình giá cả trong nước tiếp tục xu hướng hạ nhiệt trong những tháng gần đây nhờ giá xăng dầu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhưng lạm phát cơ bản vẫn cao dai dẳng.

Theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 2/2022, và là tháng thứ năm liên tiếp lạm phát giảm.

Từ mức đỉnh 3 năm 4,89% vào tháng 1, tốc độ lạm phát hiện đã giảm gần 3 điểm phần trăm.

Trong khi lạm phát toàn phần đang hạ nhiệt nhanh chóng, lạm phát cơ bản vẫn nóng, đạt 4,33% trong tháng 6. Lạm phát cơ bản – không bao gồm lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục – được các nhà kinh tế coi là chỉ báo tốt hơn cho lạm phát trong tương lai.

Giống như lạm phát toàn phần, lạm phát cơ bản cũng đã giảm 5 tháng liên tiếp, nhưng mức giảm nhỏ hơn nhiều. So với mức đỉnh 5,21% tháng 1 năm nay, lạm phát cơ bản mới chỉ giảm chưa đến 1 điểm phần trăm.

Xu hướng lạm phát toàn phần giảm nhanh trong khi lạm phát cơ bản giảm chậm cũng đang xuất hiện ở các nền kinh tế lớn, khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa tăng lãi suất 1/4 điểm phần trăm trong tháng này, đồng thời và khẳng định sẽ tiếp tục tăng. Tuần trước, ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, trong khi Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào hôm qua nói rằng cuộc chiến chống lạm phát có thể kéo dài nhiều năm, báo hiệu lãi suất ở Mỹ nhiều khả năng tăng trở lại sau khi giữ nguyên trong tháng 6.

Trong khi các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp giảm lãi suất điều hành kể từ tháng 3, với lần hạ lãi suất gần nhất vào giữa tháng 6. Mục đích của những đợt giảm lãi suất này là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại trong nửa đầu năm.

Sự chênh lệch lớn giữa lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản chủ yếu đến từ giá xăng dầu. Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tháng 6 thấp hơn 31,73% so với một năm trước, do giá xăng A95 giảm 10.860 đồng/lít, xăng E5 giảm 10,430 đồng/lít và dầu diesel giảm 11.840 đồng/lít (tháng 6/2022 là thời điểm giá xăng dầu lên cao kỷ lục). Giá xăng dầu được tính trong lạm phát toàn phần nhưng bị loại trừ khi tính lạm phát cơ bản.

Nhờ giá xăng dầu giảm mạnh, nhóm hàng giao thông giảm giá 11,98% so với cùng kỳ, làm CPI chung giảm 1,16 điểm phần trăm. Đây là một trong số hai nhóm hàng giảm giá so với cùng kỳ, cùng với nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,58%.

9 nhóm hàng còn lại đều tăng trong một năm qua, đi đầu là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,49% do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng. Nhóm giáo dục cũng tăng 5,75% do một số địa phương trong năm học 2022-2023 tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022.

Đáng chú ý, CPI tháng 6 tăng 0,27% so với tháng trước, sau khi giảm hoặc tăng không đáng kể trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5. Theo Tổng cục Thống kê, lý do là giá thực phẩm tăng và giá điện sinh hoạt tăng do điều chỉnh giá bán lẻ điện.

So với tháng trước, giá cả tháng 6 tăng ở 10/11 nhóm hàng, cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,57%).