VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Làn sóng Covid-19 mới khiến một số khu vực ở châu Âu tái phong tỏa

Làn sóng Covid-19 mới khiến một số khu vực ở châu Âu tái phong tỏa

17:06 - 19/11/2021

Giới chức ở Đức và các nước khác áp đặt những biện pháp phong tỏa mới sau khi số ca nhiễm tăng vọt trong số những người đã tiêm chủng.

Một số khu vực ở châu Âu một lần nữa lại phong tỏa để ngăn các bệnh viện trở nên quá tải do số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng mạnh, trong bối cảnh dữ liệu cho thấy sự gia tăng số ca nhiễm bệnh ở những người đã tiêm chủng.

Bang Saxony của Đức tuyên bố sẽ phong tỏa một phần trong 2 đến 3 tuần kể từ thứ Hai, đóng cửa quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ và hủy bỏ tất cả các sự kiện lớn. Các bang khác của Đức bị ảnh hưởng nặng nề đang xem xét những biện pháp tương tự và có thể công bố trong những ngày tới.

Giới chức Đức cho biết hôm thứ Năm rằng sẽ bắt buộc xét nghiệm đối với những người đã tiêm chủng cũng như chưa tiêm chủng ở một số khu vực sau khi số ca nhập viện đạt đến ngưỡng nhất định.

Đức ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày kỷ lục trong nhiều tuần gần đây. Số ca tử vong và nhập viện đang tăng nhanh chóng, mặc dù vẫn ở dưới mức đỉnh trước đó. Đức có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là gần 70% và hơn 45% bệnh nhân nhập viện với Covid-19 đã được tiêm chủng đầy đủ, theo Viện Robert Koch, trung tâm phòng chống dịch bệnh của đất nước.

Ở nước Áo láng giềng, 2 bang – Salzburg và Thượng Áo – cũng đang đóng cửa vào thứ Hai. Theo đó các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa và trường học chuyển sang chế độ khẩn cấp, chi tiết được thông báo sau. Việc phong tỏa được chính quyền thông báo kéo dài khoảng một tháng. Chính phủ liên bang ở Vienna sẽ quyết định vào thứ Sáu xem có áp dụng các hạn chế tương tự trên toàn quốc hay không.

Theo thống đốc bang Salzburg, Wilfried Haslauer, số ca bệnh kỷ lục – hơn 15.000 ca vào thứ Năm – và áp lực lên các bệnh viện khiến giới chính trị gia không còn cách nào khác để trở về trạng thái bình thường ngoài phong tỏa.

Các biện pháp hạn chế đối với người chưa tiêm chủng không làm chậm làn sóng Covid-19 hiện nay.

Các biện pháp hạn chế đối với người chưa tiêm chủng không làm chậm làn sóng Covid-19 hiện nay.

Những biện pháp này là một bước ngoặt đau đớn đối với các chính phủ trước đó cam kết không hạn chế quyền tự do đối với những người đã tiêm chủng để khuyến khích người dân tiêm vaccine. Trong những tuần gần đây, một số chính phủ ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đặt ra những hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng, cấm họ đến nhà hàng và thậm chí nhốt họ trong nhà. Nhưng những bước đi này không thể làm chậm sự gia tăng số ca bệnh.

Các chuyên gia dự báo sẽ có nhiều quốc gia đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự khi nhiệt độ tiếp tục giảm trên khắp châu Âu, khiến mọi người ở trong nhà nhiều hơn.

Châu Âu hiện có thể được chia thành 4 khu vực. Nam và Tây Âu, bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Pháp, chứng kiến số ca nhiễm tăng lên từ mức rất thấp. Các nước Bắc và Trung Âu từ Hà Lan đến Bỉ, Đức và Áo có tỷ lệ tiêm chủng tương đương nhưng chứng kiến số ca mắc mới lập kỷ lục trong những tuần gần đây, gây áp lực lên hệ thống y tế. Còn một phần Đông Âu, bao gồm Bulgaria và Romania, đối mặt với số ca tử vong và nhập viện kỷ lục.

Anh thuộc nhóm của riêng mình. Mặc dù số ca bệnh, nhập viện và tử vong gần tương đương với mức trung bình của Liên minh châu Âu, nhưng chính phủ ở đây đã cam kết không đưa ra các hạn chế.

Đức ghi nhận hơn 65.000 ca nhiễm Covid-19 mới vào thứ Năm, cao nhất từ trước đến nay, phá hủy mọi hy vọng rằng mùa đông năm nay có thể đánh dấu sự trở lại bình thường như trước đại dịch. Các bệnh viện ở một số khu vực đang hoạt động hết công suất. Bệnh nhân di chuyển từ nơi này sang nơi khác, các bác sĩ và y tá bên ngoài được yêu cầu tham gia giúp duy trì dịch vụ y tế.

Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch, cho biết tỷ lệ tử vong sắp gia tăng hơn nữa khi Đức hiện đã bước vào tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng. Số ca tử vong liên quan đến virus corona trung bình trong 7 ngày là gần 190. Con số này thấp hơn mức kỷ lục 888 vào cao điểm của đại dịch hồi tháng 1, nhưng cao hơn so với lần cuối cùng đất nước bước vào phong tỏa năm 2020. “Chúng tôi chưa bao giờ lo lắng như bây giờ”, GS Wieler nói và cho biết thêm rằng số ca lây nhiễm thực sự gấp 3 lần con số chính thức.

Bất chấp áp lực lên các bệnh viện, một đợt phong tỏa khác trong mùa đông đang vấp phải sự phản đối chính trị vì nhiều chính phủ trong khu vực cam kết sẽ không phong tỏa nếu đủ số người đã tiêm chủng.

Các biện pháp được đưa ra ở Croatia trong tuần này, bao gồm tiêm chủng bắt buộc hoặc xét nghiệm cho người lao động, đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối, cũng như chỉ trích từ Tổng thống Zoran Milanovic. “Điều này thật điên rồ”, ông Milanovic, người ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm chủng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Hy vọng vaccine đưa cuộc sống trở về bình thường đã tan biến ở châu Âu.

Hy vọng vaccine đưa cuộc sống trở về bình thường đã tan biến ở châu Âu.

Ở Áo, người lao động phải xuất trình bằng chứng về việc tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính để đi làm; và những người chưa tiêm chủng không được phép rời khỏi nhà mà không có lý do chính đáng.

Một số bang của Đức có quy định cấm những người không có bằng chứng đã tiêm chủng hoặc bị nhiễm bệnh trước đó vào các cơ sở kinh doanh và địa điểm giải trí không thiết yếu. Giới chức đang xem xét mở rộng lệnh cấm lên các phương tiện giao thông công cộng và bắt buộc phải tiêm vaccine cho nhân viên y tế.

Nhưng hy vọng rằng việc tiêm chủng sẽ đưa cuộc sống trở về bình thường trong mùa đông này sau các đợt phong tỏa trong 2 năm qua đã tan biến. Các chợ Giáng sinh đang bị hủy bỏ trên khắp nước Đức trong khi lệnh đeo khẩu trang ở trường tiểu học quay trở lại sau khi được dỡ bỏ một thời gian ngắn vào mùa thu.

Các chính phủ đang khuyến cáo tiêm mũi vaccine thứ 3, nhưng các chuyên gia nói rằng ngay cả khi tiêm mũi này hàng loạt, vẫn cần những biện pháp khác để hạn chế lây nhiễm. Vào thứ Năm, Hội đồng tiêm chủng của Đức khuyến nghị mũi thứ 3 cho tất cả mọi người trên 18 tuổi.