VNReport»Kinh tế»Tài chính»Khó đạt mục tiêu lạm phát 4%

Khó đạt mục tiêu lạm phát 4%

11:20 - 08/04/2022

Ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – nhận định rằng rất khó đạt được mục tiêu lạm phát 4% trong năm nay vì giá hàng hóa thế giới tăng cao và độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam.

Với nền kinh tế có độ mở lớn, mục tiêu lạm phát 4% trong năm 2022 rất khó đạt được trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao, theo ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Phát biểu tại một cuộc đối thoại chuyên đề, ông Tiến cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý đầu năm 2022 tăng 1,92% so với năm ngoái. Theo ông, con số này cho thấy CPI của Việt Nam được kiểm soát tốt trong bối cảnh nhiều nước đang hứng chịu cơn bão giá do xăng dầu. Một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ trong tháng 2 có chỉ số giá tăng 7,9% so với năm ngoái, Anh 6,22%, Đức 5,1%, Ý 5,7%.

Châu Á chịu ảnh hưởng ít hơn. Đối tác lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc có chỉ số giá chỉ tăng 0,9%, Nhật Bản cũng tăng 0,9% trong khi các nước ASEAN như Malaysia, Indonesia tương đồng với Việt Nam với mức tăng khoảng 2%, Thái Lan cao hơn 5,3%.

Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống được đánh giá là nguy cơ lớn nhất làm tăng giá tiêu dùng trong thời gian tới.

Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống được đánh giá là nguy cơ lớn nhất làm tăng giá tiêu dùng trong thời gian tới.

Dự báo về CPI thời gian tới, theo ông Tiến, cần xem xét từng nhóm mặt hàng trong rổ hàng hóa để tính CPI.

Nhóm thứ nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Việt Nam đang trở lại bình thường mới, học sinh đi học trở lại, mở cửa sản xuất kinh doanh sẽ làm tăng lượng tiêu thụ thực phẩm. Nhóm này do đó sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng vì chiếm đến 33,36% trong rổ tính CPI.

“Tôi đánh giá đây là nguy cơ tác động đến tăng giá tiêu dùng lớn nhất trong thời gian tới”, ông Tiến lưu ý.

Ở nhóm thứ hai, giá sản xuất chịu áp lực tăng do giá nguyên liệu đầu vào thế giới tăng. Mặc dù giá hàng hóa thế giới đã tăng từ giữa năm ngoái nhưng giá sản xuất trong nước vẫn chưa tăng do nhu cầu yếu. Đây cũng là áp lực tăng giá trong những tháng tới khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Chẳng hạn, quý I, Việt Nam xuất khẩu hơn 29 tỷ USD linh kiện điện tử, điện thoại nhưng nhập khẩu 26-27 tỷ USD nguyên liệu mặt hàng này lớn. Đây là một nguyên nhân chính khiến CPI tăng trong những tháng tiếp theo.

Ngành dệt may cũng đang bị gãy chuỗi cung ứng do những đợt phong tỏa thường xuyên của Trung Quốc dẫn đến doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu trầm trọng.

Nhóm thứ ba là giá xăng dầu phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, khó có khả năng sớm chấm dứt. Thậm chí, dù có chấm dứt thì giá xăng dầu bình quân năm 2022 vẫn cao hơn năm 2021. Giá nhiên liệu tác động đến toàn bộ các chi phí đầu vào của nền kinh tế.

Từ những lý do này, chỉ số CPI sẽ có xu hướng tăng trong các tháng tiếp theo, phụ thuộc vào giá thế giới cũng như sự điều hành của Chính phủ.

“Chúng ta thấy kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu nguyên vật liệu tăng cao, nguồn cung hiện tại lại đang đứt gãy khiến giá hàng hoá quốc tế những tháng tới đây tăng mạnh gây áp lực lạm phát cao ở nhiều nước cả kể nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật, châu Âu. Đây đều là những đối tác lớn của Việt Nam”, ông Tiến nhận định.

“Do đó, mục tiêu lạm phát 4% có thể đạt được nhưng đây là công việc rất khó. Mong rằng Chính phủ cũng như đơn vị chức năng, Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành linh hoạt với kinh nghiệm từ những năm trước. Cần có quyết tâm lớn thì mới đạt được mục tiêu. Nhưng tôi vẫn khẳng định mục tiêu lạm phát 4% là rất khó”, ông cho biết thêm.