VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Lao đao tìm nơi ở mới vì nhà trọ bị tạm dừng hoạt động

Lao đao tìm nơi ở mới vì nhà trọ bị tạm dừng hoạt động

15:29 - 12/07/2024

Mới đây, hàng loạt nhà trọ và chung cư mini không đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại Hà Nội đã bị yêu cầu tạm dừng hoạt động. Điều này khiến cho không ít người chật vật, vội vã đi tìm phòng trọ mới.

Nhiều nhà nhà trọ, chung cư mini ở Hà Nội bị đình chỉ hoạt động vì không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Tuyết Lan

Nhiều nhà nhà trọ, chung cư mini ở Hà Nội bị đình chỉ hoạt động vì không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Tuyết Lan

Lao đao tìm kiếm phòng trọ mới

Hà Nội là nơi tập trung rất đông người dân tạm trú, sinh viên, người lao động có nhu cầu về nhà ở rất cao trong khi nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cho những đối tượng này rất hạn chế. Chính vì vậy, khi 16.479 nhà trọ và 22 chung cư mini trên địa bàn phải dừng hoạt động vì chưa đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) lại càng khiến việc thuê trọ gặp khó khăn.

Trần Bảo Diệp (20 tuổi) – sinh viên Trường Đại Học Thương mại – thuê trọ tại khu vực Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) được hơn một năm. Bảo Diệp cho biết từ lúc ở trọ tại đây, chủ trọ không hề có biện pháp đảm bảo phòng cháy chữa cháy nào; chỉ đến khi bị nhắc nhở mới bổ sung thêm được bình xịt chữa cháy. Mặc dù không an toàn nhưng Diệp và 2 người bạn cùng phòng vẫn chấp nhận ở phòng trọ này vì giá rẻ, phù hợp với sinh viên và có thể đi bộ tới trường.

“Cách đây 2 tuần, nhà trọ của em bị yêu cầu tạm dừng hoạt động vì không đáp ứng an toàn PCCC. Từ khi có biển dừng hoạt động dán trước cửa nhà trọ, cả phòng đã liên tục thay phiên nhau tìm trọ mới để sang tháng 8 chuyển đi. Thế nhưng, giờ đã gần hết nửa tháng 7 vẫn chưa tìm được căn phòng nào phù hợp. Đợt này, tân sinh viên các tỉnh rục rịch lên thuê phòng cộng thêm việc hàng loạt nhà trọ, chung cư mini bị tạm dừng hoạt động nên giá trọ đang có xu hướng tăng” – Bảo Diệp chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh của Diệp, anh Nguyễn Việt Long (24 tuổi – Thạch Thất Hà Nội) cũng đang ở trọ tại một căn chung cư mini khu vực Cầu Giấy bị yêu cầu tạm dừng hoạt động. Theo anh Long, nhà trọ của anh đã được treo biển cấm một tháng nay nhưng chủ nhà vẫn chưa yêu cầu khách thuê chuyển đi. Thay vào đó là vừa cho ở vừa hoàn thiện các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.

“Thực tế, chủ trọ gần chỉ xây thêm một bức tường ngăn cách chỗ để xe máy với đường lên nhà. Ngoài ra các trang bị khác như bình xịt phòng cháy, lối thoát hiểm, thang dây hay mặt nạ phòng độc đều không có” – anh Long cho biết.

Nhiều người vội vã đi tìm nơi ở mới để chuyển đi gấp vì nhà trọ bị đình chỉ hoạt động. Ảnh: Tuyết Lan

Nhiều người vội vã đi tìm nơi ở mới để chuyển đi gấp vì nhà trọ bị đình chỉ hoạt động. Ảnh: Tuyết Lan

Cần phải xây dựng một lộ trình phù hợp

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng Giám đốc G-Home – cho biết quyền lợi và tính mạng của người dân luôn được đề cao lên hàng đầu nên việc các cơ quan chức năng đưa ra yêu cầu các nhà trọ, chung cư mini chưa đủ tiêu chuẩn về an toàn PCCC tạm dừng hoạt động là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, khi yêu cầu các nhà trọ dừng hoạt động, cơ quan chức năng phải có lời giải cho bài toán người lao động, sinh viên sẽ đi đâu, về đâu khi nhà trọ bị dừng hoạt động đột ngột.

Thực tế, khi hàng chục nghìn người thuê trọ bị đẩy ra khỏi những cơ sở tạm dừng hoạt động, họ sẽ phải tìm đến những chỗ ở khác đáp ứng điều kiện PCCC dưới hình thức ở ghép. Nhưng rõ ràng khi ở ghép quá nhiều người, vô hình trung đẩy lại họ từ chỗ mất an toàn sang chỗ mất an toàn khác. Vì một nhà trọ hay chung cư đáp ứng yêu cầu PCCC với một mật độ dân cư nhất định, khi quá số lượng người ở lại trở thành không đáp ứng.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Trần Xuân Lượng – Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường BĐS Việt Nam – cho rằng để đảm bảo an toàn về PCCC thì chỉ có chung cư cao cấp, tiêu chuẩn cao, còn gần như rất hiếm nhà trọ, chung cư mini đáp ứng được yêu cầu.

“Theo tôi, việc cấm những chung cư mini, phòng trọ không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy là chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng phải xây dựng một lộ trình phù hợp. Đây là vấn đề an sinh xã hội, không thể làm theo cách “không quản được thì cấm”. Các cơ quan quản lý cần xem xét các bài toán về quy hoạch, giám sát để tránh được các bất cập” – TS Trần Xuân Lượng khẳng định.

Theo vị chuyên gia này, trong ngắn hạn có thể tổng kiểm tra một lượt các phòng trọ, chung cư mini thực hiện các bước đầy đủ về trang thiết bị, được tập huấn an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, cần đặt ra khái niệm hộ nào là hộ kinh doanh, hộ nào là hộ tăng gia sản xuất. Cần làm rõ khái niệm để người dân tiếp cận đúng các điều kiện về đảm bảo an toàn PCCC. Nếu không quy định rõ thì khi lực lượng chức năng kiểm tra thấy ai cho thuê cũng sẽ xếp vào kinh doanh. Mà kinh doanh bất động sản sẽ rất khó để đáp ứng các yêu cầu về PCCC.

“Nếu chính sách cấm đưa ra đột ngột thì không khác gì đang đi xe lại phanh gấp gây “mất an toàn” cho người trong cuộc. Ví dụ người dân đang có nhà ở nhưng giờ chuyển sang chỗ khác và muốn cho thuê. Trường hợp cho thuê này có thể rơi vào tình cảnh vi phạm pháp luật vì không đảm bảo điều kiện an toàn. Còn nếu bỏ không sẽ thành tài sản không sử dụng và bị đánh thuế. Chúng ta là nước đang phát triển, phải chấp nhận, xử lý và hoàn thiện những vấn đề nói trên vớ lộ trình được xây dựng lâu dài” – TS Trần Xuân Lượng cho hay.

Theo: https://laodong.vn/bat-dong-san/lao-dao-tim-noi-o-moi-vi-nha-tro-bi-tam-dung-hoat-dong-1364970.ldo