VNReport»Kinh tế»Tài chính»LienVietPostBank muốn đổi tên viết tắt thành LPBank

LienVietPostBank muốn đổi tên viết tắt thành LPBank

15:28 - 17/04/2023

Ngân hàng cho biết tên viết tắt “LienVietPostBank” hiện tại quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ, khó nhận biết và hiệu quả truyền thông thấp.

Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) trình cổ đông thông qua kế hoạch đổi tên viết tắt tiếng Anh của mình thành “LPBank”.

LienVietPostBank cho biết từ năm 2011 đến nay, ngân hàng đã sử dụng tên viết tắt bằng tiếng Anh là LienVietPostBank trên tất cả các văn bản pháp lý và các kênh truyền thông. Tuy nhiên, nhược điểm của tên này là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ, khó nhận biết và hiệu quả truyền thông thấp. Trong khi đó, xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng ngắn gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 23/4, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua quyết định đổi tên này. Sau đó, HĐQT quyết định thời điểm đổi tên.

VNPost dự kiến thoái vốn khỏi LienVietPostBank trong tháng 4.

VNPost dự kiến thoái vốn khỏi LienVietPostBank trong tháng 4.

Kế hoạch đổi tên được đưa ra trong bối cảnh Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) dự kiến thoái vốn khỏi LienVietPostBank. Phiên đấu giá 140,5 triệu cổ phiếu mã LPB do Vietnam Post sở hữu sẽ diễn ra vào ngày 21/4 tới. Giá khởi điểm là 22.908 đồng/cổ phần.

Sau đó 2 ngày, LienVietPostBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông tại khách sạn Ninh Bình Legend, thành phố Ninh Bình, thay vì tổ chức ở TP HCM như các năm trước.

Ngoài báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 và kế hoạch năm 2023, trong đại hội, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông thông qua một số nội dung quan trọng khác như phương án tăng vốn điều lệ, bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.

Năm 2022, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt 327.746 tỷ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch năm. Tổng dư nợ tín dụng hoàn thành 96% kế hoạch, huy động vốn hoàn thành 98% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.690 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch, cao nhất trong lịch sử hoạt động.

LienVietPostBank cũng hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 17.291 tỷ đồng trong năm qua thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vốn chủ sở hữu cuối năm 2022 của ngân hàng đạt 24.055 tỷ đồng.

Ngân hàng có thay đổi lãnh đạo cấp cao vào cuối năm 2022 và đầu năm nay. Cụ thể, ngày 9/12/2022, ông Huỳnh Ngọc Huy thôi giữ chức vụ Thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân và bầu ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) làm Chủ tịch HĐQT.

Tháng 3/2023, LienVietPostBank thông báo ký hợp đồng lao động với ông Đoàn Nguyên Ngọc (em rể bầu Thụy). Sinh năm 1975, ông Ngọc giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) từ năm 2012, sau đó là Tổng giám đốc XTI từ năm 2018 đến 2019.

LienVietPostBank cũng ký hợp đồng lao động với ông Nguyễn Văn Thủy (em trai bầu Thụy). Sinh năm 1981, ông Thủy đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT XTI từ cuối năm 2015. Đến năm 2021, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật tại XTI.

LienVietPostBank và XTI ký thỏa thuận hợp tác toàn diện từ tháng 8/2020. Theo nội dung thỏa thuận, hai bên sẽ triển khai hợp tác thông qua ưu tiên sử dụng dịch vụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho khách hàng của nhau.

Tập đoàn Xuân Thiện – một công ty khác thuộc hệ sinh thái của gia đình bầu Thụy – cũng vừa khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn công suất 350.000 tấn/năm ở huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.