VNReport»Kinh tế»Lo ngại về nhu cầu, nguồn cung cao từ Mỹ đẩy giá dầu xuống đáy 6 tháng

Lo ngại về nhu cầu, nguồn cung cao từ Mỹ đẩy giá dầu xuống đáy 6 tháng

14:36 - 08/12/2023

Giá dầu giảm xuống thấp nhất kể từ cuối tháng 6 do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu năng lượng kém ở Mỹ và Trung Quốc, trong khi sản lượng từ Mỹ vẫn gần mức cao kỷ lục.

Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu năng lượng kém ở Mỹ và Trung Quốc, trong khi sản lượng từ Mỹ vẫn gần mức cao kỷ lục.

Giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent rơi xuống 74,05 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 7/12. Hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ cũng giảm xuống còn 69,34 USD/thùng. Cả hai tiêu chuẩn dầu đều ghi nhận mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 6.

Nhà phân tích John Evans của PVM Oil nhận xét: “Với việc nước nhập khẩu dầu lớn nhất toàn cầu (Trung Quốc) dứt cơn khát dầu thô, áp lực vẫn đè lên giá khi nước sản xuất lớn nhất, Mỹ, tiếp tục duy trì sản lượng cao nhất”.

Giá dầu Brent xuống thấp nhất 6 tháng.

Giá dầu Brent xuống thấp nhất 6 tháng.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy sản lượng của nước này vẫn ở gần mức cao kỷ lục hơn 13 triệu thùng/ngày. Dự trữ xăng của Mỹ tăng 5,4 triệu thùng trong tuần trước lên 223,6 triệu thùng, hơn gấp 5 lần dự báo tăng 1 triệu thùng.

Lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc cũng kiềm chế giá dầu. Dữ liệu hải quan của nước này cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 11 giảm 9% so với cùng kỳ năm trước do tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và các nhà máy lọc dầu độc lập đặt hàng ít hơn.

Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của Trung Quốc giảm so với tháng trước, xuất khẩu trong tháng 11 tăng lần đầu tiên sau 6 tháng, cho thấy sự gia tăng dòng chảy thương mại toàn cầu có thể đang hỗ trợ lĩnh vực sản xuất của nước này.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đưa Hong Kong, Ma Cao và nhiều công ty, ngân hàng nhà nước Trung Quốc vào cảnh báo hạ xếp hạng ngày 7/12, một ngày sau khi họ ra cảnh báo hạ xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc.

Giá dầu đã giảm khoảng 10% kể từ khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) công bố cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm tới.

“Thị trường dường như đang nói rằng họ không tin OPEC+ có khả năng thực hiện cắt giảm như tuyên bố”, theo Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group.

Ngày 7/12, Ả Rập Xê Út và Nga – hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất – kêu gọi tất cả các thành viên OPEC + tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu.