VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lợi nhuận các công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý III

Lợi nhuận các công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý III

11:04 - 25/10/2023

Tổng lợi nhuận các công ty chứng khoán trong quý vừa qua ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 23% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, nhờ diễn biến tốt của giá cổ phiếu và thanh khoản trong kỳ.

Cùng với sự hồi phục của thị trường chứng khoán kể từ đầu năm, tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán cũng được cải thiện. Sau khi chạm đáy vào quý IV năm ngoái, tổng lợi nhuận của các công ty chứng khoán đã tăng liên tiếp trong 3 quý gần đây.

Trong quý III vừa qua, tổng lợi nhuận của các công ty chứng khoán ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 23% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý I/2022 – thời điểm thị trường chứng khoán đạt đỉnh với thanh khoản cao kỷ lục.

Hầu hết các công ty chứng khoán lớn đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý III so với quý trước và cùng kỳ năm trước. TCBS trở lại vị trí số một về lợi nhuận với mức tăng trưởng ấn tượng 57% so với cùng kỳ năm 2022 và 108% so với quý trước.

Tương tự, SSI và VNDirect cũng tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái và quý II. Lợi nhuận trước thuế quý III của hai công ty này chỉ kém giai đoạn cao điểm quý IV/2021-I/2022. Trong top 10 công ty chứng khoán có lợi nhuận quý III cao nhất chỉ có VPBankS và VIX giảm so với quý trước.

Tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán được hỗ trợ nhờ thị trường diễn biến tương đối tốt. VN-Index leo lên mức cao nhất trong một năm vào đầu tháng 9 trước khi điều chỉnh. Hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh giúp hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán đạt kết quả tích cực.

Ví dụ, VNDirect có lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) quý III tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 925 tỷ đồng. Ngược lại, khoản lỗ từ FVTPL lại giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 281 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận gộp từ hoạt động tự doanh của VNDirect đạt 644 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ là 24 tỷ đồng.

Tương tự, lợi nhuận gộp của SSI đạt hơn 600 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Cụ thể, công ty chứng khoán này lãi từ FVTPL tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 765 tỷ đồng, trong khi lỗ từ FVTPL chỉ tăng nhẹ so với quý III/2022 lên 162 tỷ đồng.

TCBS cũng thu về khoản lãi lớn 645 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi FVTPL đạt 669 tỷ đồng và lỗ FVTPL chỉ 24 tỷ đồng.

Vẫn có một số doanh nghiệp tự doanh chưa hiệu quả như trường hợp của VPS. Quý III, lãi từ FVTPL của công ty chứng khoán này đạt 418 tỷ đồng trong khi lỗ FVTPL là 479 tỷ đồng, dẫn đến lỗ gộp từ hoạt động tự doanh 61 tỷ đồng

Bù lại, giống như hầu hết các công ty chứng khoán khác, mảng môi giới và cho vay của VPS đều khởi sắc, giúp lợi nhuận không bị sụt giảm. Tổng doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán trong quý III đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, tổng lãi gộp tăng 55% so với quý III/2022, lên 1.070 tỷ đồng.

Tổng lãi vay và các khoản phải thu trong quý III cũng tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 4.800 tỷ đồng.

Hoạt động môi giới và cho vay của các công ty chứng khoán phụ thuộc nhiều vào thanh khoản và quý III là giai đoạn thị trường sôi động nhất trong một năm rưỡi qua. Số tài khoản mở mới trong các tháng 7, 8 và 9 đều hơn 150.000, cao hơn nhiều so với mức bình quân giai đoạn trước. Giá trị khớp lệnh trên HoSE trong hầu hết quý 3 đạt 20.000 tỷ đồng, thậm chí chạm ngưỡng tỷ USD trong một số phiên đầu tháng 9.

Sự gia tăng số nhà đầu tư mới cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng đòn bẩy. Dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán cuối quý III ước đạt 165.000 tỷ đồng, tăng 15.000 tỷ đồng so với cuối quý II và tăng 43.000 tỷ đồng so với đầu năm. So với đỉnh điểm cuối quý I năm ngoái, con số này vẫn kém khoảng 35.000 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ ký quỹ tăng khoảng 17.000 tỷ đồng so với cuối quý II, ước tính đến 30/9 là 159.000 tỷ đồng, còn lại là ứng trước tiền bán.

Nhìn chung, quý III là thời điểm thuận lợi với nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường cũng như kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn hơn với thanh khoản sụt giảm.