VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Lợi nhuận các doanh nghiệp bia giảm mạnh khi người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”

Lợi nhuận các doanh nghiệp bia giảm mạnh khi người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”

15:26 - 02/11/2023

Các thương hiệu bia từ trong nước đến nước ngoài đang phải vật lộn với nhu cầu tiêu thụ yếu khi người tiêu dùng Việt Nam tiết kiệm hơn trong bối cảnh kinh tế chậm lại.

Kinh tế tăng trưởng chậm đang ảnh hưởng lớn đến một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất bia giảm mạnh.

Theo báo cáo tài chính quý III vừa công bố, Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đạt lãi ròng 1.044 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý cũng giảm 14%. Sau 9 tháng, lợi nhuận ròng của ông lớn ngành bia này giảm 24% so với cùng kỳ, xuống còn 3.170 tỷ đồng.

Nhu cầu tiêu thụ bia giảm mạnh trong năm nay và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Nhu cầu tiêu thụ bia giảm mạnh trong năm nay và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Một hãng bia khác là Công ty cổ phần Habeco – Hải Phòng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 736 triệu đồng trong quý III, giảm 75% so với cùng kỳ. Công ty cho biết sản lượng sản xuất trong kỳ giảm 21% và sản lượng tiêu thụ giảm 26%. Giá các nguyên liệu chính như mạch nha, gạo và đường cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và làm giảm lợi nhuận.

Doanh thu thuần của Habeco – Hải Phòng trong 9 tháng đầu năm giảm 29% xuống 130 tỷ đồng. Công ty báo lỗ ròng hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng.

Các nhà sản xuất bia khác như Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi, Bia Sài Gòn – Sông Lam hay Bia Hà Nội – Hải Dương cũng ghi nhận lợi nhuận ròng 9 tháng giảm 27-55% so với cùng kỳ.

Năm 2019, Việt Nam từng là nước tiêu thụ bia lớn nhất ở Đông Nam Á và nằm trong top 10 thế giới. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất bia, từ các hãng trong nước đến các thương hiệu nước ngoài.

Heineken – một trong những hãng bia lớn nhất thế giới – báo cáo doanh số bia giảm 5,6% trong nửa đầu năm 2023. Công ty có trụ sở tại Hà Lan đổ lỗi cho sự giảm sút của Việt Nam – một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của hãng.

Một đại diện của Carlsberg cũng cho biết thị trường bia Việt Nam giảm 6% trong quý II do kinh tế chậm lại.

“Ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn rất thách thức”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, nói với Bloomberg hồi tháng 9. Với doanh số bán bia giảm 10-20% và chi phí nguyên vật liệu tăng tới 50%, ông cho biết hiệp hội đã yêu cầu Chính phủ hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống.

Quý IV thường là quý cao điểm của ngành bia Việt Nam với hàng loạt các hoạt động hướng đến dịp cuối năm và kéo dài đến Tết Nguyên Đán. Song tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và người tiêu dùng vẫn “thắt lưng buộc bụng”.

Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu VIRAC cũng cho rằng Nghị định 100 sẽ tiếp tục là rào cản lớn cản trở sự phục hồi của ngành bia trong năm nay. Các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu sản xuất dự kiến tiếp tục tăng mạnh và ảnh hưởng tới lợi nhuận. Một số nguyên liệu chính để sản xuất bia gồm bột trợ lọc dự kiến tăng giá 25%, hoa bia tăng 10%, gạo tăng 4% và đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt, mạch nha – nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất bia – dự kiến tăng giá khoảng 60% so với giá trung bình năm 2022.