VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Lợi thế đặc biệt của tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam

Lợi thế đặc biệt của tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam

13:50 - 24/07/2023

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Đô thị hóa của vùng Đông Nam Bộ đạt 67%; diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.

Mỗi một địa phương thuộc Đông Nam bộ đều có những thế mạnh riêng. Là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn.

 

Tỉnh Đồng Nai được xem là một cửa ngõ đi vào vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Tây Ninh được xem là một tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Bình Phước là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8.076 triệu đồng/người/tháng.

Trong các tỉnh thành của Đông Nam bộ thì Bình Phước là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư. Bình Phước có ưu thế lớn là diện tích đất đai lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ. Đây là lợi thế quan trọng về không gian phát triển; hạ tầng giao thông khá thuận lợi. Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước luôn tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện.

Theo số liệu của Niên giám thống kê 2022, trong giai đoạn 2018 – 2022, thu nhập bình quân của người dân tại Đông Nam Bộ tăng từ mức 5,792 triệu đồng lên 6,334 triệu đồng 1 người 1 tháng). Bình Phước là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất vùng. Đây cũng là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8.076 triệu đồng/người/tháng.

Thế mạnh đặc biệt của Bình Phước

Bình Phước có 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 huyện biên giới (Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh) tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia (Mondulkiri, Kratie, Tboung Khmum), với tổng chiều dài đường biên giới là 258,939km, với 28 cột mốc chính, 353 cột mốc phụ. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh, Cửa khẩu phụ Tân Tiến) và 1 lối mở. Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nên Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng.

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 41 dân tộc sinh sống. Tính đến hết năm 2022, dân số của tỉnh ước 1.034.667 người (theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước), phân bố trên 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 1 thành phố (Đồng Xoài), 3 thị xã (Phước Long, Bình Long, Chơn Thành), 7 huyện (Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phú Riềng), với 111 xã, phường, thị trấn.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí cách không xa Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đồng thời lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 9,1%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra 7 – 7,5%). Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,66%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 16,24% (riêng công nghiệp tăng 18,7%), dịch vụ tăng 8,73%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,06%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 5%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 85,1 triệu đồng (tương đương 3.550 USD), tăng 11,6% so với năm 2021.

Ước thu ngân sách năm 2022 của tỉnh là 14.535 tỷ đồng, bằng 119% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 102% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua và tăng 6% so với năm 2021 (theo báo cáo của UBND tỉnh).

Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu… đã tạo nên tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của Bình Phước.

Tính đến ngày 25/11/2022, toàn tỉnh hiện có 441.364 ha cây lâu năm, cây hàng năm và khoảng 75% người dân Bình Phước làm nông nghiệp; cây ăn trái hiện có 12.062 ha; cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh gồm có cây điều (151.135 ha), tiêu (14.941 ha), cao su (244.698 ha), cà phê (14.588 ha), với tổng diện tích hiện có 425.362 ha.

Bình Phước hiện có 170.855 ha đất lâm nghiệp, chiếm 27,72% đất sản xuất nông nghiệp. Số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ước tháng 11/2022 gồm có: Đàn trâu 12.720 con, đàn bò 39.170 con, đàn heo 1.711.590 con, đàn gia cầm 13.817 ngàn con (theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước).

Tính đến ngày 15/11/2022, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 10.672 doanh nghiệp (đã trừ doanh nghiệp giải thể), với số vốn đăng ký 186.294.499 triệu đồng; lũy kế đến hết năm 2022 có 299 hợp tác xã.

Về thu hút đầu tư trong nước, năm 2022 ước đạt 45 dự án với số vốn đăng ký 10.800 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch. Lũy kế đến hết năm 2022 có 1.220 dự án với số vốn 116.908 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 37 dự án, với số vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 150 triệu USD, đạt 37,5% kế hoạch; lũy kế đến hết năm 2022 có 370 dự án với số vốn 3 tỷ 465,7 triệu USD (theo báo cáo của UBND tỉnh).

Lực lượng lao động của tỉnh ước năm 2022 là 604.976 người, tăng 0,26% (khoảng 1.598 người so với năm 2021), trong đó nữ là 281.320 người, khu vực thành thị 151.214 người.

Cơ cấu lao động có việc làm năm 2022 có sự chuyển dịch rõ theo hướng chuyển dần lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.