VNReport»Kinh tế»Lực đẩy cho thị trường xuất khẩu năm 2023

Lực đẩy cho thị trường xuất khẩu năm 2023

16:33 - 03/02/2023

Trong bối cảnh nhu cầu thế giới sụt giảm, Trung Quốc nổi lên là thị trường lớn, có khả năng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.

Nhu cầu thế giới sụt giảm là một trong những khó khăn, thách thức chính của xuất khẩu Việt Nam. Khi nhiều nền kinh tế nhập lượng hàng hóa lớn của Việt Nam đối diện với suy thoái, sản xuất và xuất khẩu lập tức đã tăng trưởng chậm lại.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể xuất khẩu sang EU giảm mạnh nhất (giảm 32,7% so với cùng kỳ), tiếp đến là Mỹ (giảm 24,5%), Hàn Quốc (giảm 14,9%), ASEAN (giảm 13,4%) và Nhật Bản (giảm 8,9%).

Trung Quốc là thị trường tăng trưởng duy nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm 2023

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, Trung Quốc vẫn là thị trường tăng trưởng duy nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm 2023, tăng 19,1%.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Maybank (MBKE) nhận định xuất khẩu sang Trung Quốc có thể sẽ là động lực chính cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay, do nhu cầu nhập khẩu mở cửa trở lại và nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh.

Theo MBKE, sự phục hồi trong xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giúp bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu do thị trường Mỹ và EU và khối ASEAN đang chậm lại. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (chiếm 15,6% kim ngạch xuất khẩu) sau Mỹ (29,5%). Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 15,3% GDP vào năm 2021, xếp hạng cao thứ hai trong ASEAN-6.

Tuy nhiên, FiinGroup lại cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại được coi là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho một vài ngành trong nước như Du lịch và Thủy sản song xét về tổng thể, việc tăng xuất khẩu sang Trung Quốc không thể bù đắp lượng đơn hàng sụt giảm từ các thị trường lớn khác. Hơn nữa, nguồn cung giá hợp lý từ Trung Quốc khiến áp lực cạnh tranh cao hơn ở các thị trường xuất khẩu lớn.

Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu năm 2023, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) ước tính tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt mức 393-402 tỷ USD (tăng 5,8% – 8,3% so với cùng kỳ), nhập khẩu đạt mức 380-387 tỷ USD (tăng 5,4% – 7,3% so với cùng kỳ). Theo kết quả dự tính trên, Việt Nam có thể xuất siêu 12,6-15,2 tỷ USD vào năm 2023.

Trong khi đó, Bộ Công Thương dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022. Như vậy với chỉ tiêu tăng trưởng này, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.

Bộ Công Thương nhận định, bên cạnh một vài thách thức, xuất khẩu năm 2023 cũng có nhiều cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, như Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có độ mở lớn, có nhiều FTA đã ký kết và có hiệu lực, nếu chúng ta biết khai thác tốt thì đây chính là thế mạnh trong thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA…