VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lương hưu thấp, làm gì để tăng mức hưởng khi về già?

Lương hưu thấp, làm gì để tăng mức hưởng khi về già?

21:08 - 08/10/2024

Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035

Tuy nhiên, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Như vậy, vào năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng.

Với độ tuổi nghỉ hưu này, việc lập kế hoạch tài chính phù hợp với thời gian nghỉ hưu sẽ giúp đảm bảo có đủ tài chính để duy trì cuộc sống thoải mái những năm tháng cuối đời. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi mức chi phí cho cuộc sống tăng lên trong khi lương hưu còn hạn chế. Gia tăng chi phí sinh hoạt và lạm phát trở thành nỗi lo ngại cho nhiều lao động ngay từ khi còn trẻ. Do đó, nhiều người tìm cách tăng mức hưởng lương hưu khi về già.

Theo đó, người lao động có thể tham gia hưu trí bổ sung để có mức lương hưu cao hơn về sau.

vào năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng.

Được biết, theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, người lao động muốn có mức lương hưu cao hơn có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Hưu trí bổ sung là loại hình bảo hiểm mang tính chất tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ đóng góp của người sử dụng lao động hoặc của người sử dụng lao động và người lao động. Nhìn chung, hưu trí bổ sung sẽ giúp tăng mức hưởng lương hưu tổng thể, giúp người lao động có thêm nguồn tài chính để trang trải chi phí sinh hoạt, y tế và các nhu cầu khác khi về già. Đồng thời cũng giảm áp lực tài chính cho người lao động và gia đình.

Luật cũng có quy định rõ ràng về đối tượng, nguyên tắc, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung, và chính sách của Nhà nước đối với loại hình bảo hiểm này. Cụ thể, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, mức đóng cũng do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận. Khoản đóng góp vào quỹ này được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.

Đáng chú ý, hoạt động quản lý quỹ thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, Luật nêu rõ, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách Nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán.

Hiện nay, Nghị định 88/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về nguyên tắc chi trả từ quỹ hưu trí, mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung cho người lao động được xác định theo: Giá trị tài khoản hưu trí cá nhân, kế hoạch chi trả quy định tại hợp đồng tham gia quỹ hưu trí, và văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.

Nghị định 88/2016/NĐ-CP cũng quy định các hình thức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung gồm chi trả hằng tháng và chi trả 1 lần (sau 10 năm).

Đối với chi trả hằng tháng, thời gian nhận chi trả khi người tham gia quỹ đến tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 10 năm. Mức chi trả hằng tháng do đối tượng nhận chi trả lựa chọn. Tuy nhiên, tối đa không vượt quá tổng giá trị tài khoản hưu trí cá nhân ở thời điểm nghỉ hưu, chia cho 120 tháng.

Trường hợp mức chi trả hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở, mức chi trả hằng tháng tối đa không vượt quá mức lương cơ sở, cho đến khi tất toán tài khoản hưu trí cá nhân.

Như vậy, từ ngày 1/7/2025, với việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, người lao động có thêm sự lựa chọn để sau này đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu với mức cao hơn. Ngoài ra, để có cuộc sống an nhàn khi về già, hãy tích cực chuẩn bị và lập kế hoạch tài chính từ sớm. Đồng thời học cách quản lý chi tiêu hợp lý và có kế hoạch tham gia các chương trình hưu trí tự nguyện để tăng mức hưởng lương hưu của mình.

https://dantri.com.vn/an-sinh/luong-huu-thap-lam-gi-de-tang-muc-huong-khi-ve-gia-20240824164740184.htm