VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lượng tiền mặt tăng mạnh trong tháng một

Lượng tiền mặt tăng mạnh trong tháng một

17:18 - 27/03/2022

Cung tiền tăng 2,59% trong tháng 1, trong đó tiền mặt tăng hơn 20%. Tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2019.

Tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế trong tháng 1/2022 tăng 2,59%, nghĩa là cung tiền mở rộng thêm 346,643 tỷ đồng, theo số liệu mới do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Con số này gấp gần 3,8 lần mức tăng cung tiền trong tháng 1/2021.

Trong đó, lượng tiền mặt trong lưu thông tăng hơn 20%, tương ứng với mức mở rộng là 307,410 tỷ đồng. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tăng từ 11,34% vào cuối năm 2021 lên 13,29%, cao nhất kể từ tháng 1/2019.

Nguồn: NHNN.

Nguồn: NHNN.

Lượng tiền mặt trong lưu thông tăng đột biến có thể là do nhu cầu chi tiêu và thanh toán của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Trên thực tế, tỷ trọng tiền mặt thường tăng mạnh vào tháng 1 của các năm trước và giảm dần vào những tháng tiếp theo.

Không chỉ tiền mặt, tiền gửi vào các tổ chức tín dụng cũng tăng hơn 0,3% trong tháng 1, trái ngược với xu hướng giảm của năm 2021. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 1,2% trong tháng 1, trong khi tiền gửi của người dân phục hồi với mức tăng 1,9%.

Về quy mô, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm hơn 68.000 tỷ đồng, chủ yếu phản ánh tính mùa vụ khi doanh nghiệp rút tiền chi trả lương, thưởng cho người lao động trước Tết Nguyên đán. Ngược lại, tiền gửi của người dân tăng hơn 103.000 tỷ đồng, đánh dấu tháng người dân đổ tiền vào ngân hàng nhiều nhất trong 10 tháng qua.

Trước đó, năm ngoái, dưới tác động của dịch bệnh và mặt bằng lãi suất thấp, tiền gửi của người dân tăng trưởng chậm, không tháng nào tăng đến 1%. Thậm chí, trong quý III/2021, khi hàng loạt địa phương giãn cách xã hội, người dân liên tục rút ròng tiền gửi ngân hàng trong nhiều tháng.

Tính chung trong tháng 1, tiền gửi vào các tổ chức tín dụng tăng gần 35.000 tỷ đồng.

Cả tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi đều tăng trong tháng 1 giúp cung tiền tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng tín dụng lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021.

Theo giới phân tích, cung tiền mở rộng mạnh trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng khiến dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ bị thu hẹp. “Hiện tại, lạm phát đang là rủi ro lớn nhất của chính sách tiền tệ, diễn biến cung tiền và tín dụng cần được theo dõi sát trong thời gian tới nhằm đảm bảo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát”, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá.

Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect cho rằng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đến hết quý II năm nay vì: (1) Bất chấp áp lực lạm phát dự báo gia tăng trong những tháng tới, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4%; (2) nhu cầu trong nước còn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn so với mức trước đại dịch; (3) NHNN vẫn ưu tiên duy trì mục tiêu lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Dù không cho rằng NHNN sẽ cắt giảm thêm lãi suất cơ bản, nhưng VnDirect cũng dự báo lãi suất này không được nâng lên trong 6 tháng đầu năm nay. Công ty chứng khoán này cũng cho rằng NHNN sẽ hỗ trợ thị trường thông qua các hoạt động như bơm thanh khoản tiền đồng, mua vào ngoại hối hoặc nâng trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, tăng trưởng tín dụng được dự báo đạt 14% trong năm nay.