VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Lý do E-mart bán siêu thị cho Thaco

Lý do E-mart bán siêu thị cho Thaco

11:16 - 13/09/2021

Các chuỗi bán lẻ nước ngoài muốn mở rộng tại Việt Nam phải vượt qua bài kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), một quy định khá lạ lẫm đối với nhà đầu tư quốc tế.

Tháng 5 năm nay, nhà sản xuất ô tô Việt Nam Thaco, do tỷ phú Trần Bá Dương sở hữu, đã mua lại 100% cổ phần E-mart Việt Nam, chuỗi bán lẻ đến từ Hàn Quốc. Lý do nhà bán lẻ Hàn Quốc bán siêu thị của mình cho hãng ô tô trong nước đến từ một khía cạnh ở thị trường Việt Nam còn khá lạ lẫm với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bài kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) là một công cụ thương mại ít được biết đến mà Việt Nam sử dụng để kiểm soát đầu tư nước ngoài và bảo vệ các công ty trong nước. Để mở rộng tại thị trường Việt Nam, các chuỗi kinh doanh nước ngoài phải vượt qua bài kiểm tra bằng cách nộp đơn lên chính quyền địa phương. Sau đó chính quyền sẽ quyết định xem địa phương của mình có cần mở rộng kinh doanh không. Nếu câu trả lời là không, việc mở rộng bị chặn lại.

Bài kiểm tra này là bắt buộc đối với các công ty nước ngoài như E-Mart. Nhà bán lẻ số 2 của Hàn Quốc mở đại siêu thị đầu tiên tại TP HCM vào năm 2015 và đã cố gắng tìm cách mở rộng thêm các cửa hàng.

Nhưng đối mặt với một số yêu cầu pháp lý, bao gồm cả ENT, E-Mart cuối cùng đã quyết định nhượng quyền các cửa hàng của mình cho Thaco, một công ty chuyên lắp ráp các sản phẩm xe ô tô như Mazda và Peugeot. Cara Song, nhà phân tích của Nomura tại Seoul, nói với Nikkei Asia: “Bất chấp những nỗ lực giải quyết các điều khoản với chính phủ Việt Nam, E-Mart coi nhượng quyền thương mại là lựa chọn duy nhất”.

Siêu thị E-mart ở quận Gò Vấp, TP HCM

Siêu thị E-mart ở quận Gò Vấp, TP HCM

Thaco, do ông Trần Bá Dương – một trong những người giàu nhất Việt Nam sáng lập, cho biết động thái này sẽ giúp tập đoàn đa dạng hóa lĩnh vực bán lẻ, bao gồm cả các showroom ô tô.

Mặc dù thỏa thuận nhượng quyền thương mại cho phép E-Mart vượt qua rào cản, nhưng nó cũng cho thấy cạm bẫy tiềm ẩn đang chờ các doanh nghiệp nước ngoài cố gắng mở rộng tại Việt Nam.

Ông Fred Burke, cố vấn cấp cao của Baker McKenzie, cho biết quy trình ENT “thực sự nặng nề” và mất nhiều thời gian đến mức cuối cùng, nhiều công ty nước ngoài chọn nhượng quyền cho một đối tác Việt Nam.

Việc vượt qua bài kiểm tra nhu cầu kinh tế sẽ cho phép E-Mart mở các cửa hàng của riêng mình tại Việt Nam, nhưng bài kiểm tra này “hoàn toàn không rõ ràng”, Burke nói. “Chúng tôi có những khách hàng nước ngoài đến và nói rằng ENT đang làm họ chậm lại quá nhiều [trong việc mở rộng kinh doanh]”, ông nói.

Các chuỗi nước ngoài có thể mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, nhưng mỗi địa điểm sau đó thường yêu cầu phải có ENT. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã thương lượng được điều khoản này.

Chính quyền quyết định xem có cần chuỗi cửa hàng hay không dựa trên “các điểm bán lẻ hiện có, sự ổn định của thị trường, mật độ dân số, quy mô của quận và các yếu tố khác liên quan đến quy hoạch quận”, WTO viết trong một phân tích hồi tháng 3.

Theo Burke, bài kiểm tra nhu cầu là một lực cản đối với đầu tư nước ngoài và kìm hãm Việt Nam. Ông lưu ý rằng các tài liệu ENT cho đơn đăng ký của một khách hàng nhiều tới mức đã che phủ một bàn hội nghị có 20 chỗ ngồi. Các doanh nghiệp phải mở rộng kinh doanh trong một khung thời gian nhất định để gia nhập thị trường Việt Nam, ông cho biết.

Một số nhà đầu tư, như thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển và Uniqlo của Nhật Bản, chấp nhận theo ENT đến cùng để giữ quyền kiểm soát các cửa hàng của mình. Những doanh nghiệp khác tránh bài kiểm tra này thông qua một kẽ hở. Theo đó, các cửa hàng của các chuỗi nước ngoài nằm trong các trung tâm mua sắm và có diện tích dưới 500 m2 được miễn ENT. Một cách khác để tránh ENT là thành lập liên doanh. GS25, một chuỗi siêu thị nhỏ của Hàn Quốc, có liên doanh với Sơn Kim Retail.

Nhượng quyền kinh doanh trở thành công cụ thâm nhập thị trường được các cửa hàng tiện lợi khác như 7-Eleven lựa chọn. Công ty này đã cấp phép thương hiệu cho Seven System Việt Nam. Phương pháp này cũng được sử dụng trong các lĩnh vực từ mỹ phẩm đến đồ ăn nhanh. Ví dụ, Dunkin’ Donuts nhượng quyền cho Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và giải khát Việt Nam của tỷ phú Jonathan Hạnh Nguyễn.

Mặc dù E-Mart không trực tiếp vận hành chuỗi, Song kỳ vọng công ty sẽ thu được lợi nhuận từ hợp đồng nhượng quyền. “Vì hoạt động ở Việt Nam đang là rất tốt,” cô nói, “công ty hy vọng chứng kiến các cửa hàng mở mới trong tương lai và thu về khoản thu nhập từ tiền nhượng quyền”.

Theo hợp đồng có thời hạn đến năm 2030, E-Mart sẽ cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam các cố vấn và sản phẩm dưới nhãn hiệu No Brand của mình, Thaco cho biết.

Theo Nielsen, với việc thị trường truyền thống của Việt Nam ngày càng giảm, số lượng cửa hàng tiện lợi vào năm 2020 đã tăng 6,7% so với năm trước và số lượng siêu thị tăng 3,8%. Khi phát triển mạnh mẽ, các chuỗi cửa hàng sẽ bị ENT giám sát nhiều hơn.

Trong các hiệp định thương mại mới bao gồm Hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã đồng ý hủy bỏ ENT. Đối với các quốc gia không nằm trong các hiệp định trên, bao gồm Hàn Quốc, các công ty vẫn phải chịu bài kiểm tra này.

Một số ý kiến ​​cho rằng Việt Nam vẫn là một thị trường đang phát triển và các doanh nghiệp trong nước cần có thời gian để chuẩn bị cho sự cạnh tranh. “Quy tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài [vào] dần dần và dễ quản lý hơn”, Giám đốc điều hành VF Franchise Consulting Sean Ngô nói.