Trong cuộc gặp với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích cách mà người nông dân da trắng ở Nam Phi bị đối xử.
Ông Trump đã viện dẫn một số bài báo và thậm chí chiếu một video để hỗ trợ quan điểm của mình. Trang web của Nhà Trắng ngày 21/5 đưa ra một tuyên bố tái khẳng định rằng Tổng thống nói đúng, trích dẫn các bài báo từ nhiều nguồn bao gồm New York Post, Daily Mail, BBC, Breitbart, New York Times, news.com.au, The Independent…
Một trong các bài báo đó – mà ông Trump thậm chí đã đọc tiêu đề trước mặt ông Ramaphosa – là “Lý do người Nam Phi da trắng chạy trốn bạo lực gia tăng và các luật “phân biệt chủng tộc” để có cuộc sống mới ở Mỹ” được viết bởi nhà báo Sue Reid và xuất bản trên tờ Daily Mail vào ngày 28/2.
Sau đây là nội dung bài báo đó.
Erik Uys có nguồn gốc gia đình ở Nam Phi rất nhiều năm. Hiện anh đang sống tại một trang trại chăn nuôi gia súc ở bang Arkansas của Mỹ, cách quê hương anh hàng nghìn km.
Người đàn ông 29 tuổi này là một trong 25.000 nông dân da trắng đã rời đến Mỹ khi Nam Phi bị cáo buộc có nạn phân biệt chủng tộc tràn lan – thiên vị người da đen đa số so với những người gốc châu Âu thiểu số.
Một số người sẽ không bao giờ quay trở lại “Quốc gia Cầu vồng”, nơi đang bị tàn phá bởi số vụ giết người và hiếp dâm ngày càng tăng, khiến nó trở thành một trong những nơi sinh sống nguy hiểm nhất trên thế giới đối với bất kỳ ai, bất kể màu da.
“3 trong số 8 người chăn nuôi gia súc Nam Phi tại trang trại Arkansas của tôi có vợ địa phương và đang định cư lâu dài”, Erik nói với Daily Mail.
“Tôi làm việc 7 ngày một tuần không nghỉ. Đối với tôi, đó là chuyện tiền bạc. Thù lao cao hơn 6-7 lần ở đây”.
Tổng thống Trump đang cung cấp “quy chế tị nạn” cho người Nam Phi da trắng (nhiều người gốc Hà Lan như Erik tự gọi mình là người Afrikaner) – những người nói rằng họ phải đối mặt với “sự phân biệt chủng tộc bất công”.
Cố vấn thân cận nhất của ông Trump là tỷ phú Elon Musk. Ông Musk lớn lên ở Nam Phi và tuyên bố rằng các chính trị gia da đen của nước này có kế hoạch “diệt chủng” nhóm thiểu số da trắng.

Erik Uys có nguồn gốc gia đình ở Nam Phi rất nhiều năm. Hiện anh đang sống tại một trang trại chăn nuôi gia súc ở bang Arkansas của Mỹ, cách quê hương anh hàng nghìn km. Ảnh: Daily Mail.
Các chính sách “trao quyền cho người da đen” nghiêm ngặt đã đẩy họ xuống cuối danh sách xin việc tại quốc gia đang khó khăn này, nơi có tỷ lệ thất nghiệp 42%.
Chỉ một phần nhỏ người trưởng thành nộp thuế (năm 2020, có khoảng 5,2 triệu người nộp thuế cá nhân, chỉ chiếm 9% dân số), khiến quốc gia này ngày càng mắc nợ, với cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Ít nhất 20.000 người Afrikaner đã đến Đại sứ quán Mỹ tại Nam Phi để tìm hiểu về việc trở thành người tị nạn. Ông Trump đã lên án Đạo luật Tịch thu gần đây của Nam Phi – cho phép nhà nước tịch thu đất đai và tài sản tư hữu của công dân mà không bồi thường – là phân biệt chủng tộc.
Dự báo sẽ còn có nhiều người Nam Phi da trắng hơn nữa chạy ra nước ngoài sau khi một luật cực đoan mới nhằm đưa sở hữu tài sản bằng với thành phần chủng tộc đột nhiên được chính quyền Pretoria công bố vào ngày 20/2.
Luật này – mở rộng Đạo luật Tịch thu – nếu được quốc hội thông qua, nghĩa là 80% tài sản tư hữu do những người không phải da đen sở hữu có thể bị tịch thu cưỡng bức và quyền sở hữu được chuyển cho nhóm đa số da đen nghèo hơn.
Ông Trump trả đũa bằng cách tạm dừng hàng triệu USD viện trợ nhân đạo của Mỹ cho Nam Phi. Thuế quan cứng rắn của ông đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, bao gồm kim cương và khoáng sản, nhằm mục đích hạn chế sức mạnh kinh tế của đảng cánh tả Đại hội Dân tộc Phi (ANC) – đảng đứng đầu chính phủ liên minh.
Daily Mail đã nói chuyện với nhiều người Nam Phi da trắng hy vọng sẽ chuyển đến Mỹ với tư cách người tị nạn. Những người khác cho biết mặc dù phải chịu phân biệt chủng tộc, họ sẽ không bao giờ rời khỏi đất nước nơi gia đình họ đã sống qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, tâm trạng sợ hãi đang tồn tại ở Nam Phi, 31 năm sau cuộc bầu cử gây chấn động của Nelson Mandela, tổng thống da đen đầu tiên của đất nước, chấm dứt chế độ da trắng thống trị mãi mãi.
Chiến thắng của ông Mandela đã chấm dứt chế độ apartheid tàn bạo – chia cắt người da đen và da trắng trong gia đình, nơi làm việc, trường học và thậm chí trong thể thao, theo luật.
Sau apartheid, Nam Phi đã trải qua một phép màu kinh tế khi các lệnh trừng phạt đối với nước này được dỡ bỏ. Nhưng thời kỳ đó không kéo dài. Những người theo đường lối cứng rắn của ANC đã áp dụng một chương trình trao quyền cho người da đen tàn nhẫn.

Nông dân và người dân ủng hộ Donald Trump bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Pretoria. Ảnh: Daily Mail.
Những công chức da trắng, từ chuyên gia năng lượng đến nhà quy hoạch giao thông, bị buộc phải nộp đơn xin việc lại. Hầu hết không bao giờ được nhận lại. Trong khu vực tư nhân, người lao động da đen được ưu tiên: các chủ lao động buộc phải tuân thủ hạn ngạch tuyển dụng nghiêm ngặt theo màu da. Một lần nữa, người da trắng bị đẩy ra khỏi các công việc, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp từng thịnh vượng. Theo thời gian, điều này đã gây ra thảm họa cho tất cả.
Nhà bình luận đáng kính người Nam Phi Andrew Kenny từng nhận xét: “ANC đã phá hủy mọi thứ bằng chính sự tha hóa của họ và vô số chính sách phân biệt chủng tộc”.
Về Đạo luật Tịch thu, ông Kenny nói: “ANC lập luận rằng, giống như vô số luật về chủng tộc mà họ đã thông qua (Nam Phi hiện có nhiều luật này hơn so với thời kỳ apartheid), luật này nhằm mục đích khắc phục những bất công trong lịch sử của chế độ cai trị của người da trắng”.
“Bất kỳ tài sản tư nhân nào cũng có thể bị tịch thu mà không cần bồi thường, miễn là vì lợi ích công. Điều này có nghĩa là gì? Bất cứ điều gì mà ANC muốn”.
Ông cảnh báo nguy cơ tái diễn cải cách ruộng đất của Tổng thống Robert Mugabe ở Zimbabwe 2 thập kỷ trước. Khi đó, hàng nghìn trang trại, chủ yếu do người da trắng sở hữu, bị tịch thu. Điều này cướp đi việc làm của 780.000 người lao động da đen và khiến họ trở nên khánh kiệt.
Mặc dù phần lớn đất canh tác thuộc sở hữu của người da trắng, chỉ chiếm 7% dân số, nhưng họ cũng thường phải vật lộn để kiếm sống.
Đầu tháng 2, 1.500 người đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại thủ đô hành chính Pretoria, giơ cao những tấm biển có dòng chữ: “Cảm ơn Chúa vì Tổng thống Trump”, “Làm cho Nam Phi vĩ đại trở lại” và “Chấm dứt Apartheid lần hai”.
Những người biểu tình đã trao một biên bản cho đại sứ quán cam kết ủng hộ Tổng thống Trump và cầu xin thế giới “công nhận và lên án các luật phân biệt chủng tộc của ANC” đối với họ.
Gunther Jager, ngoài 20 tuổi, nói thay cho nhiều người: “Tôi không thấy mình có thể lập gia đình ở Nam Phi. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của thế hệ trẻ em tiếp theo sẽ ra sao. Tôi đang tìm cách bán mọi thứ và đến Mỹ”.
Những người khác trong đám đông bao gồm góa phụ Bernadine Botes, 57 tuổi, và con gái Monique, giáo viên thực tập 34 tuổi, sống sau hàng rào kim loại và được bao quanh bởi hệ thống báo động tại ngôi nhà gỗ của họ ở Kempton Park, một khu ngoại ô Johannesburg.
Bernadine chuyển đến thành phố này từ Durban sau khi con gái lớn nhất Chantelle, 20 tuổi, trong khi đang hút thuốc lá trong vườn, bị lôi khỏi nhà, hãm hiếp, giết hại và bỏ xác lại trên một đường ray xe lửa.
Bernadine, da trắng và lai Afrikaner, cho biết: “Nếu Monique muốn đến Mỹ, tôi sẽ ủng hộ nó. Người dân chúng tôi sợ hãi mỗi ngày”.
Cũng hưởng ứng lời kêu gọi của ông Trump là gia đình Zenia và Ludwich Pretorius, với những đứa con từ 9 đến 13 tuổi, 3 con mèo và 2 con chó của gia đình. Cặp đôi này, 36 và 39 tuổi, đã từ bỏ trang trại chăn nuôi gia súc của họ ở bắc Nam Phi vào năm ngoái sau khi hàng rào bao quanh khu đất bị phá vỡ nhiều lần bởi những người đàn ông “từ cộng đồng địa phương”.
“Đó là việc chiếm đất”, Zenia, sinh ra ở Ý, cho biết. “Chúng tôi bị đẩy ra ngoài.” Sau nhiều tháng bị quấy rối, gia đình đã thanh lý trang trại và chuyển đến một vùng khác của đất nước. Zenia mở một cửa hàng nhỏ bán kẹo và Ludwich làm việc cho một nông dân khác.

Minnette và Peter Claasen. Trang trại của họ, cách Johannesburg một giờ lái xe, đã bị 4 thanh niên da đen đột kích vào năm 2000 bằng cách ném búa qua cửa kính để đột nhập vào nhà họ. Ảnh: Daily Mail.
Họ phấn khích về nước Mỹ. Lời đề nghị của ông Trump mang lại cho họ hy vọng. “Nếu rời khỏi Nam Phi là cái giá chúng tôi phải trả cho sự an toàn của con cái mình, thì đó là điều chúng tôi sẽ làm”, Zenia nói thêm.
“Chúng tôi đang chờ nghe cách nộp đơn. Chúng tôi sẽ không mang theo gì ngoài 5 người chúng tôi và thú cưng. Chúng tôi sẽ bắt đầu lại.”
Sau lời đề nghị cấp quy chế tị nạn của ông Trump, một video đã được đăng trực tuyến minh họa sống động những gì mà người nông dân da trắng đang phải đối mặt. Trong đó, một góa phụ người Afrikaner xinh đẹp tên là Mariandra Heunis nói: “Tôi là người sống sót sau một cuộc tấn công trang trại. Chồng tôi đã bị sát hại một cách tàn nhẫn và bị bắn 6 phát trước mặt con gái 6 tuổi của tôi. Phát súng cuối cùng vào đầu. Tôi đã phải sinh đứa con thứ tư, một cậu con trai, vài ngày sau đám tang của chồng.
Bạn sẽ làm gì nếu phải nuôi 4 đứa con nhỏ một mình sau khi chồng bị sát hại? Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu chân bạn trượt vào vũng máu trên sàn nhà của người thân yêu khi bạn đi trong nhà mình? Chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ, Tổng thống Trump”.
Ông Ramaphosa, Tổng thống Nam Phi thuộc ANC, đã phủ nhận rằng các vụ giết người ở trang trại (năm ngoái có một vụ mỗi tuần) “có động cơ chủng tộc” hoặc bị kích động bởi mong muốn “thanh trừng sắc tộc”.
Ông khẳng định rằng chúng là “lời nhắc nhở buồn” rằng đất nước vẫn đang phục hồi sau quá khứ đen tối dưới apartheid. Và không nghi ngờ gì, Nam Phi vẫn chưa lành.
Một dấu hiệu của sự chia rẽ chủng tộc sâu sắc xuất hiện vào đầu tháng này khi một podcaster người Nam Phi da đen tên là Nota Nhlamulo Baloyi đăng một video gây kích động trên YouTube. Đáp lại lời đề nghị tị nạn của ông Trump, anh nói: “Vấn đề là người da trắng thấp kém hơn chúng tôi. Chúng tôi là homo sapiens. Họ là neanderthal, thấp kém hơn con người”.
“Bất kể họ đang nắm giữ khu đất nào, số lượng đang giảm dần. Bất kể họ có sự lãnh đạo như thế nào thì cũng đang dần biến mất. Họ kêu lên: “Các người đánh cắp đất đai của chúng tôi; các người đã tàn sát người của chúng tôi”. Giống như đối phó với một con chó hoang vậy. Họ là những kẻ dưới mức con người”.
Tất cả những điều trên là điềm xấu cho người da trắng ở đây. Tại trung tâm Nam Phi, có một thị trấn Orania yên bình, độc lập, được lập ra chỉ dành cho người Afrikaner thông qua một lỗ hổng trong hiến pháp Nam Phi.
Orania được thành lập vào cuối thập niên 1980, là đứa con tinh thần của Carel Boshoff, con rể của Hendrik Verwoerd, người được mệnh danh là “kiến trúc sư của apartheid” khi chế độ này trở thành luật vào năm 1948.
Với lịch sử đáng ngờ này, Orania đã bị cáo buộc – đặc biệt là bởi các kênh truyền thông thiên tả ở Mỹ và Anh – là áp dụng apartheid bằng cửa sau. Trên một ngọn đồi cao bên ngoài thị trấn, có những bức tượng bán thân của những nhà lãnh đạo Afrikaner nổi tiếng, mà những nhà lãnh đạo Orania nói là một phần di sản của họ.
BBC từng bị từ chối tiếp cận khi muốn đưa đến đây một thí sinh trong một cuộc thi truyền hình, đã lớn lên dưới chế độ apartheid, để quay một đoạn phim về cuộc sống ở đây. Và nơi này cực kỳ kén chọn cư dân. “Đây không phải là một thị trấn toàn người da trắng, mà là một thị trấn toàn người Afrikaner. Chúng tôi quan tâm đến văn hóa, không phải chủng tộc”, giám đốc điều hành Joost Strydom, 31 tuổi, nói với tôi khi anh lái xe đưa tôi đi tham quan trên chiếc xe chở khách mà anh cho biết đã chở hàng nghìn du khách đến Orania trong năm qua.
Các tổng thống đã đến thăm nơi này – bao gồm cả Nelson Mandela – nhưng không bao gồm người đương nhiệm. Orania không nhận đồng nào từ nhà nước và tự tài trợ một phần từ việc bán hạt hồ đào cho Trung Quốc. Joost cho biết cư dân thị trấn không có ý định trở thành người tị nạn của Trump.
“Tôi hiểu tại sao Mỹ làm như vậy”, anh nói. “Tôi sẽ không cố ngăn cản bất kỳ ai. Nhưng không ai từ Orania tỏ ra quan tâm”. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Nam Phi có tỷ lệ hiếp dâm tệ nhất và tỷ lệ giết người cao thứ năm trên thế giới. Ở Orania, thậm chí không có lực lượng cảnh sát.
“Tội phạm gần như bằng không”, Joost nói. “Có lẽ một chiếc điện thoại đâu đó bị mất; thế thôi”. Người dân thường tự xây nhà, thể hiện những gì Joost nói là “đạo đức làm việc của người Tin lành” ăn sâu vào văn hóa Afrikaner.
Một nỗi lo dai dẳng trong cộng đồng của ông là nguy cơ tịch thu đất đai. Ông nghĩ rằng điều đó sẽ khiến Orania trở nên phổ biến hơn khi người Afrikaner nộp đơn xin sống tại đây. Thị trấn sẽ mở rộng với hai quảng trường mới gồm các cửa hàng, lối đi dạo và quán cà phê.
Tôi dừng lại để nói chuyện với Drieke, một người phụ nữ 56 tuổi đang lái xe ba bánh chạy điện dọc theo những con đường sỏi sạch sẽ hướng đến một trong những nhà hàng nhìn ra hồ.
“Tôi đến đây 3 năm trước. Toàn bộ cuộc sống của tôi đã thay đổi. Tôi cảm thấy an toàn. Tôi chỉ phàn nàn một điều là đường sỏi gồ ghề đối với xe ba bánh của tôi.”
Có một trường đại học nơi thanh thiếu niên Afrikaner đến để học các kỹ năng nghề nghiệp, bao gồm kỹ thuật xây dựng, hệ thống ống nước và chăm sóc trẻ nhỏ, trước khi tìm việc học nghề. “Đó là cách xây dựng tương lai của chúng tôi ở Nam Phi với tư cách là người Afrikaner,” các sinh viên nói với chúng tôi.
Hầu như tất cả đều muốn tự kinh doanh. Tại quán pizza Oppi Dorp (có nghĩa là Trong thị trấn), Corrie, 18 tuổi, đang đi học, và Mackenzie, 19 tuổi, đều biết rõ về lời mời của ông Trump.
Corrie nói với chúng tôi: “Tôi thấy tương lai của mình ở Nam Phi bất chấp những vấn đề”. Mackenzie không chắc chắn lắm. Cô muốn trở thành một nhà tâm lý học. “Đây là một thị trấn nhỏ, Orania”, cô giải thích, nhăn mũi. “Không có nhiều thứ dành cho người trẻ, ngoài bơi lội”.
Cô là một trong những người Afrikaner may mắn. Cách xa Orania, chúng tôi tìm thấy một trại tị nạn nơi “những người da trắng nghèo” đang sống. Gần Krugersdorp, một thị trấn khai thác vàng trước đây, khoảng 50 gia đình sống trong những ngôi nhà dựng mái tôn bên cạnh một bãi rác bốc hơi nghi ngút và đống xỉ còn sót lại từ thời khai thác vàng.
Đây là những người da trắng bị lãng quên – chủ yếu là người Afrikaner. Họ từng hưởng đặc quyền vì màu da của mình. Bây giờ, tình thế thay đổi. Không còn người hầu da đen hay nhà gạch nữa. Họ kiếm sống bằng nghề bán phế liệu hoặc chăm sóc người thân lớn tuổi. Họ chắc sẽ đến Mỹ?
Không phải người Nam Phi da trắng nào cũng cảm thấy như vậy – bao gồm nhiều người thuộc thế hệ trẻ, có hầu hết ý kiến được tạo thành từ mạng xã hội.
“Tôi không tán thành Trump,” Tristran Kruger, một người Afrikaner 18 tuổi thất nghiệp, nói khi anh mời chúng tôi vào nhà của anh gần lối vào trại. Ông nội của anh từng làm quản lý siêu thị trong thời apartheid.
“Ước mơ của tôi là trở thành một nhà hoạt động của ANC. Hàng triệu đô la tài sản và đất đai, không chỉ các trang trại, thuộc sở hữu của người da trắng và nên được tịch thu cho người dân.
Hầu hết Thế hệ Z đều cảm thấy giống tôi, bất kể màu da.
Tôi biết một phụ nữ Afrikaner sở hữu 15 trang trại và muốn trao chúng cho Tổng thống càng sớm càng tốt. Cô ấy sẽ mất tất cả, nhưng nghĩ rằng đó là điều đúng đắn nên làm”, Tristan, thừa nhận mình lấy thông tin từ TikTok, nói thêm.
Nền tảng mạng xã hội này tràn ngập những video từ chính trị gia và người tự xưng là “chiến binh tự do” chủ nghĩa Mác-Lenin, Julius Malema, ủng hộ nhiệt thành việc ANC lấy đất của người da trắng.
Ông Malema, một nghị sĩ Nam Phi, lãnh đạo đảng Chiến binh Tự do Kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến ANC và coi Cuba Cộng sản là hình mẫu cho đất nước.
Bài hát đặc trưng mà ông hát tại các cuộc mít tinh chính trị là “Giết người Boer” (một thuật ngữ chỉ nông dân da trắng). Điều đáng lo ngại là tòa án nhân quyền của nước này tuyên bố rằng bất kỳ phiên bản nào của bài hát ghê tởm này đều không phải là tội ác do thù hận.
Vào tháng 2, ông Malema nói trên TikTok rằng ông sẽ bỏ ngoài tai yêu cầu của Elon Musk bắt giữ ông như một tội phạm quốc tế. “Tôi sẽ không để nước Mỹ bắt nạt”, ông nói. “Tôi chỉ muốn tôn trọng phẩm giá của người da đen bằng cách khôi phục đất đai và tài sản của họ”.
Tuy nhiên, lời lẽ phân biệt chủng tộc của ông Malema đã khiến những người Afrikaner như Minnette Claasen, 76 tuổi, bà của Erik, chủ trang trại chăn nuôi gia súc ở Mỹ, phải rùng mình.
Trang trại của bà và chồng bà là Peter, 80 tuổi, ở Grootvlei, cách Johannesburg một giờ lái xe, đã bị 4 thanh niên da đen đột kích vào năm 2000. Những kẻ này đã ném búa qua cửa kính để vào nhà họ, kề dao vào cổ Peter, sau đó bắn ông ấy bằng súng ngắn vào gan, ruột và lá lách. Chúng bỏ mặc ông trước khi lấy cắp khoảng 3 triệu đồng từ quầy thu ngân tại cửa hàng trang trại của Minnette và sau đó bị bỏ tù vì tội ác này.
Kinh hãi, gia đình Claasen đã bán trang trại đang thành công của họ cho một người Nam Phi da đen 4 năm sau. Họ không bao giờ quay trở lại.
Về cháu trai Erik của mình, Minnette nói: “Nó đang cống hiến những năm tháng tươi đẹp nhất của mình cho nước Mỹ. Nó sẽ chẳng có tương lai gì khi còn là một thanh niên ở đây. Ai có thể trách nó vì đã rời đi?”
Tham khảo: