VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Hà Nội bế tắc trong cải tạo chung cư cũ

Hà Nội bế tắc trong cải tạo chung cư cũ

11:47 - 08/09/2021

Hà Nội chỉ cải tạo được 1,2% số chung cư cũ trong khoảng 30 năm nay.

“Khoảng 30 năm nay, Hà Nội đã đặt vấn đề cải tạo chung cư cũ với rất nhiều cuộc họp, giải pháp cấp thiết được đưa ra, nhưng chúng ta mới chỉ cải tạo được rất ít”. Đây là nhận xét của Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội ngày 7/9.

Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ, chiếm 60% cả nước.

Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ, chiếm 60% cả nước.

Ông Nghiêm cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ hay xây mới, ngoài việc tuân thủ Luật Đất đai, cần triệt để áp dụng Luật Thủ đô. Cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học của dự án cần được bổ sung bằng cách học hỏi kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, …

“Các nước có đề án xã hội hóa cải tạo chung cư cũ rất hay, được 100% nhân dân ủng hộ. Từ mô hình này, chúng ta có thể học hỏi cách làm, các bước thực hiện, cơ sở pháp lý cũng như tác động để nâng cao nhận thức người dân”, ông Nghiêm nói.

Theo ông, việc cải tạo chung cư cũ hoặc xây mới sẽ góp phần bảo tồn di sản và tạo diện mạo mới xứng đáng với giá trị của thủ đô.

Ở góc độ khác, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, việc xây dựng mới, sửa chữa chung cư cũ có thực hiện được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu thành phố.

Theo thống kê đến năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, chiếm đến 60% số chung cư cũ của cả nước. Hệ thống chung cư này ở Hà Nội đã được xây dựng 60 năm, mới nhất cũng gần 30 năm. Nhiều công trình đã quá cũ, nhếch nhác, mất an toàn nghiêm trọng.

“Việc cải tạo chung cư cũ nếu hài hòa lợi ích giữa các bên sẽ tạo ra sự đồng thuận thực chất và bộ mặt đô thị mới cũng sẽ tốt lên”, bà An nói.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, cần đề cao yếu tố người dân trong nội dung đề án, nhằm giải quyết hài hòa lợi ích, quyền và nghĩa vụ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, thể hiện đúng tinh thần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của sự phát triển thủ đô.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bà Hương yêu cầu ngoài nội dung cụ thể về tiến độ và giải pháp thực hiện, cần tập trung rà soát tổng thể về kết cấu, dân số, hạ tầng, kiến ​​trúc…

“Kế hoạch tổ chức thực hiện, yếu tố quan trọng nhất của dự án, phải xác định rõ tiến độ, phân công thực hiện và phân cấp cho các quận, huyện. Trong đó, cần đánh giá đúng bối cảnh, tình hình và dự án thực hiện, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Những cơ chế ưu đãi với nhà đầu tư phải đảm bảo các quy định pháp luật, nhưng cũng cần công khai, minh bạch về chế độ ưu đãi, lựa chọn nhà đầu tư, việc áp dụng công nghệ mới. Cùng với chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, cũng cần quan tâm đến các đối tượng chính sách xã hội”, bà Hương nói.