VNReport»Kinh tế»Tài chính»Moody’s ra cảnh báo hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc

Moody’s ra cảnh báo hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc

10:20 - 06/12/2023

Moody’s hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, cho rằng chi phí để giải cứu các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước cũng như kiểm soát cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ đè nặng lên nền kinh tế số 2 thế giới.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s vừa đưa ra cảnh báo hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc, cho rằng chi phí để giải cứu các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước cũng như kiểm soát cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này sẽ đè nặng lên nền kinh tế số 2 thế giới.

Trong báo cáo công bố ngày 5/12, Moody’s hạ “triển vọng” xếp hạng nợ A1 của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, chưa đầy một tháng sau khi họ làm điều tương tự với xếp hạng tín dụng AAA duy nhất còn lại của Mỹ. Trong lịch sử, khoảng 1/3 các tổ chức phát hành bị hạ xếp hạng trong vòng 18 tháng kể từ khi bị đánh giá triển vọng xếp hạng tiêu cực.

Moody’s nhận định Bắc Kinh có thể cần hỗ trợ nhiều hơn cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang gánh nhiều nợ, gây ra “rủi ro diện rộng đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc”. Họ cũng nhắc đến “rủi ro gia tăng liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách có cấu trúc và liên tục cũng như việc thu hẹp quy mô của lĩnh vực bất động sản đang diễn ra”.

Cuộc khủng hoảng bất động sản gây rủi ro cho kinh tế Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng bất động sản gây rủi ro cho kinh tế Trung Quốc.

Bộ Tài chính Trung Quốc gọi quyết định này là đáng thất vọng, nói rằng nền kinh tế sẽ phục hồi và cuộc khủng hoảng bất động sản cũng như nợ của các chính quyền địa phương đều trong tâm kiểm soát. Bộ cũng cho biết: “Những lo ngại của Moody về triển vọng tăng trưởng kinh tế, sự bền vững tài chính và các khía cạnh khác của Trung Quốc là không cần thiết”.

Các cổ phiếu blue chip của Trung Quốc giảm gần 2% xuống mức thấp nhất gần 5 năm do lo ngại về tăng trưởng và đồn đoán về cảnh báo của Moody’s trước khi nó chính thức được công bố. Chi phí bảo hiểm nợ chính phủ của Trung Quốc trước khả năng vỡ nợ tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11, trong khi cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc là Alibaba và JD.com lần lượt giảm 1% và 2%.

Đây là động thái đầu tiên của Moody’s với xếp hạng tín dụng của Trung Quốc kể từ khi hạ bậc xếp hạng xuống A1 vào năm 2017 vì quy mô nợ tăng lên. Ngày 5/12, Moody’s giữ nguyên xếp hạng A1, lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn có khả năng hấp thụ sốc cao. Nhưng họ dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống còn 4,0% vào năm 2024 và 2025, và trung bình 3,8%/năm từ 2026 đến 2030.

Một cơ quan xếp hạng tín dụng khác là S&P Global cho biết trong báo cáo triển vọng toàn cầu rằng mối lo ngại lớn của họ là nếu cuộc khủng hoảng bất động sản “lan tỏa”, nó có thể đẩy tăng trưởng GDP Trung Quốc xuống “dưới 3%” vào năm sau. S&P và Fitch – cơ quan xếp hạng tín dụng lớn thứ ba – đều xếp hạng Trung Quốc ở mức A+, tương đương với A1 của Moody với triển vọng ổn định.

Hầu hết giới phân tích tin rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm nay sẽ đạt mục tiêu khoảng 5% do chính phủ đặt ra, nhưng đây là mức tăng trưởng so với năm 2022 yếu kém do đại dịch và đà phục hồi năm nay không đồng đều. Nền kinh tế không bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch khi cuộc khủng hoảng nhà ngày càng sâu sắc, lo ngại về nợ của các chính quyền địa phương, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và căng thẳng địa chính trị hạn chế đà tăng trưởng. Một loạt những biện pháp hỗ trợ chính sách chưa mang lại nhiều lợi ích, gây áp lực cần tung ra thêm các gói kích thích.

Các nhà phân tích đều nhất trí rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại sau vài thập kỷ phát triển chóng mặt. Nhiều người tin rằng Bắc Kinh cần chuyển đổi mô hình kinh tế của mình từ phụ thuộc nhiều vào đầu tư bằng nợ sang dựa trên nhu cầu tiêu dùng. Tuần trước, thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc cam kết duy trì chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cũng kêu gọi cải cách cơ cấu nhằm giảm phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và bất động sản để tăng trưởng.

Trong tháng 10, Trung Quốc công bố kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trái phiếu chính phủ vào cuối năm nay để giúp kích thích kinh tế, nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2023 lên 3,8% GDP từ mức 3% ban đầu.

Sau nhiều năm đầu tư quá mức, lợi nhuận từ bán đất giảm mạnh và chi phí chống Covid, các địa phương Trung Quốc ngập trong nợ và các cơ quan xếp hạng lo ngại rằng chính quyền trung ương có thể phải chịu trách nhiệm cho những khoản nợ này. Theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ của các chính quyền địa phương đạt 92 nghìn tỷ nhân dân tệ (12,6 nghìn tỷ USD), tương đương 76% sản lượng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2022, tăng từ mức 62,2% vào năm 2019.