VNReport»Kinh tế»Tài chính»Nhiều công ty chứng khoán thua lỗ nặng vì tự doanh

Nhiều công ty chứng khoán thua lỗ nặng vì tự doanh

12:06 - 25/07/2022

Các khoản đầu tư tự doanh thua lỗ là nguyên nhân chính khiến một số công ty chứng khoán lỗ ròng hàng trăm tỷ đồng trong quý II.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm nay, các công ty chứng khoán cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là trong mảng tự doanh – với nhiều công ty báo lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Chứng khoán Apec (APS) là đơn vị ghi nhận kết quả kinh doanh tệ nhất trong quý II. Doanh thu của APS chỉ đạt 56 tỷ đồng doanh thu, nhưng lỗ trước thuế lên đến 442 tỷ đồng, so với mức lãi 13 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Lăng lý giải nguyên nhân là do thị trường chứng khoán biến động tiêu cực. Công ty thua lỗ chủ yếu từ hoạt động tự doanh và một phần là vì doanh thu môi giới giảm nhẹ.

Báo cáo tài chính của APS cho thấy công ty có khoản lỗ từ các tài sản tài chính (FVTPL) đột biến gần 490 tỷ đồng. Một số cổ phiếu trong danh mục đầu tư của công ty có mức giảm nghiêm trọng trong quý vừa qua như IDJ (lỗ 254 tỷ), API (lỗ 190 tỷ) hay NBB, AAT.

Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) thậm chí ghi nhận doanh thu hoạt động âm 64 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 595 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng vọt 50% lên 223 tỷ đồng. Kết quả là công ty lỗ trước thuế 372 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức lãi 384 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh nghiệp lý giải rằng diễn biến thị trường bất ngờ xấu đi dẫn đến mảng đầu tư lỗ 433 tỷ đồng – là nguyên nhân chính khiến cho kết quả chung tiêu cực.

Công ty mẹ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lỗ trước thuế 268 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do diễn biến thị trường chứng khoán trong năm không thuận lợi, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Danh mục đầu tư tự doanh của VDSC hiện bao gồm một số ngân hàng hàng đầu, công ty chăn nuôi Dabaco và nhà sản xuất thép Hòa Phát.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dù ghi nhận doanh thu hoạt động tăng trưởng 132% so với cùng kỳ lên 662 tỷ đồng nhưng lại báo lỗ 129 tỷ đồng – mức đậm nhất từ trước đến nay trong một quý. Khoản lỗ chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, trong đó FVTPL lỗ gần 528 tỷ đồng. Công ty đã cắt lỗ 87 tỷ đồng với một số cổ phiếu và bán ra một lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết, chịu lỗ hơn 280 tỷ đồng.

Cũng do hoạt động tự doanh thua lỗ lớn, Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán Bảo Minh (MBSC) hay Chứng khoán APG báo cáo lợi nhuận ròng âm hàng trăm tỷ đồng.

Mặc dù không thua lỗ nặng như những đơn vị trên, các công ty chứng khoán đầu ngành cũng chịu thiệt hại đáng kể từ sự lao dốc của thị trường.

Tổng lợi nhuận trước thuế của 30 công ty chứng khoán hàng đầu chỉ đạt khoảng 3.300 tỷ đồng, giảm 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái và giảm khoảng 5.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục trong quý IV/2021.

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 17% so với cùng kỳ mặc dù doanh thu tăng trưởng. Tuy nhiên, với 831 tỷ đồng lãi trước thuế, đây vẫn là công ty đứng đầu ngành về lợi nhuận.

Chứng khoán SSI suy giảm 26% về lợi nhuận, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) giảm 30%, Chứng khoán TP HCM (HSC) giảm nhẹ 1% …

Một số doanh nghiệp đi ngược xu hướng chung, trong đó đáng chú ý nhất là VNDirect. Đơn vị này ghi nhận doanh thu tăng trưởng 74% lên 1.800 tỷ đồng trong quý II, nhờ hoạt động cho vay ký quỹ tăng cao và mức lãi lớn từ đầu tư vào cổ phiếu PTI. Tuy VNDirect cũng có khoản lỗ FVTPL hàng trăm tỷ đồng, nhưng điều đó ảnh hưởng không quá lớn đến kết quả chung. Lợi nhuận trước thuế đạt 647 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.