VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 dưới 4,5% sẽ hoàn thành

Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 dưới 4,5% sẽ hoàn thành

08:05 - 05/07/2023

Tổng cầu yếu, cung tiền tăng trưởng chậm, lãi suất thực cao, tỷ giá và giá dầu khó tăng mạnh sẽ kiềm chế lạm phát trung bình trong năm 2023 ở mức thấp, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay sẽ hoàn thành.

Tại hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện kinh tế – tài chính, Học viện Tài chính nhận định: Sau 6 tháng đầu năm, có thể thấy rằng lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023, nhưng đồng thời cũng giảm mạnh hơn dự báo. Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%.

Phân tích nguyên nhân của sự suy giảm mạnh của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ nêu rõ ba nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu).

Thứ hai, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt, là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các NHTM hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh.

Nguyên nhân thứ ba khiến lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao. Theo công bố của NHNN, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu.

Thêm vào đó, thị trường xăng dầu đạt đỉnh vào năm trước và trong xu hướng giảm. Dù tương lai chưa dự báo được nhưng trước mắt là nguy cơ suy thoái toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ, châu Âu. Thời điểm suy thoái có thể gây tranh cãi nhưng có thể tính toán sẽ rơi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Chính lo ngại về nguy cơ suy thoái “phủ bóng” lên thị trường dầu mỏ thế giới.

Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%.

So với các nước châu Á, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6-2023 tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát tháng 5-2023 của Trung Quốc tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 0,53%; Hàn Quốc tăng 3,3%; Indonesia tăng 4,0%; Philippines tăng 6,1%; Lào tăng 38,86%.

Lý giải về điều này, PGS, TS, Nguyễn Bá Minh, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho biết: “Giá xăng dầu, giá gas trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá vật liệu xây dựng trong nước liên tục tăng, như giá thép có tới 6 lần tăng liên tiếp làm kiềm chế tốc độ tăng của CPI. Bên cạnh đó, công suất nền kinh tế dư thừa tạo áp lực ghìm giá cả của một số mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu”.

Lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ được hoàn thành.

Nhìn nhận về diễn biến thị trường giá cả và những yếu tố sẽ kìm cương lạm phát nửa cuối năm, theo TS. Nguyễn Đức Độ, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.

Về giá dầu, với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng, có thể xảy ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm như đã diễn ra trong vòng 1 năm qua, hoặc ít nhất sẽ không tăng mạnh.

Còn tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng khá ổn định nhờ Việt Nam xuất siêu 12,25 tỷ USD. Với việc đồng USD cũng đang trong xu hướng giảm giá, khả năng tỷ giá USD/VND sẽ được Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định trong biên độ +/- 1-2%.

Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%.

Như vậy, theo vị chuyên gia này, tất cả các yếu tố tác động đến lạm phát thời gian qua rất thuận lợi, thuận lợi theo nghĩa đều kiềm chế lạm phát như tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao, tỷ giá ổn định, giá dầu khó tăng mạnh, sẽ tiếp tục là các nhân tố kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm, thậm chí là các nhân tố trọng yếu kiểm soát lạm phát năm tới.

Với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay không mấy khả quan, cùng với sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định chính sách tiền tệ thời gian qua, lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ được hoàn thành.