VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Mỹ và nhiều quốc gia xả kho dự trữ dầu

Mỹ và nhiều quốc gia xả kho dự trữ dầu

10:19 - 24/11/2021

Nỗ lực kìm hãm giá xăng dầu đang ở mức cao có thể không có kết quả đáng kể, theo các nhà phân tích.

Mỹ và các nước khác có kế hoạch xả kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia của mình trong nỗ lực hạ giá xăng dầu vốn đang trở thành một vấn đề nhức nhối góp phần lớn vào lạm phát.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra thông báo trên hôm thứ Ba và dự đoán rằng nguồn cung bổ sung sẽ giúp giá giảm. Tuy nhiên, giá dầu trên thị trường tài chính tăng sau thông báo.

Giới phân tích đặt câu hỏi liệu lượng cung cấp của chính phủ có đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tăng cao hay không. Họ cũng cho biết động thái này có thể nhằm thể hiện quyết tâm của Nhà Trắng trong việc kiềm chế lạm phát, đang ở mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ.

Ngay cả khi giá dầu thô giảm, tác động đến người tiêu dùng có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì nhu cầu dự kiến ​​sẽ tăng trong năm tới khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bjørnar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu tại công ty tư vấn Rystad Energy, cho biết: “Đối với những tài xế đang băn khoăn liệu giá xăng có giảm hay không… thực tế là điều này có thể hoàn toàn không xảy ra, hoặc chỉ xảy ra với một khoảng thời gian trễ đáng kể”.

Giá xăng dầu tăng mạnh so với một năm trước, đóng góp lớn vào lạm phát.

Giá xăng dầu tăng mạnh so với một năm trước, đóng góp lớn vào lạm phát.

Thị trường đã suy đoán về việc giải phóng kho dự trữ trong nhiều tuần khi chính quyền tìm cách đối phó với giá xăng dầu, hàng tạp hóa và các sản phẩm tiêu dùng khác tăng lên, ảnh hưởng đến chương trình chính sách của ông Biden.

Tuần trước, ông Biden kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra xem liệu các công ty dầu khí có đang giữ giá xăng ở mức cao một cách bất hợp pháp hay không. Một số nhà quan sát cho rằng đây chỉ là một chiến lược thông thường của các tổng thống đang đối mặt với hậu quả chính trị do giá xăng dầu tăng.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết vào đầu ngày thứ Ba rằng 5 quốc gia – Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh – sẽ phối hợp xả kho dự trữ dầu.

Tuy nhiên, phát biểu sau đó vào thứ Ba, ông Biden cho biết Trung Quốc “có thể” tham gia. Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết sau đó rằng Trung Quốc sẽ đưa ra thông báo của riêng mình. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận.

Chính quyền Biden cho biết tổng cộng họ sẽ đưa 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ của chính phủ Mỹ ra thị trường thế giới trong những tuần tới. 6 quốc gia cộng lại có khả năng xả khoảng 65 triệu đến 70 triệu thùng từ kho dự trữ của chính phủ, theo RBC Capital Markets.

Con số đó chỉ bằng hơn một nửa mức tiêu thụ hàng ngày của thế giới, mà Bộ Năng lượng Mỹ ước tính vượt qua 100 triệu thùng trong 3 tháng cuối năm 2021. Tỷ lệ đó sẽ đưa mức tiêu thụ thế giới cao hơn gần 5% so với năm trước, khi sự phục hồi sau đại dịch khiến mức sử dụng tăng dần.

Các nhà phân tích tại ClearView Energy Partners LLC cho biết: “Chúng tôi coi thời điểm của động thái hôm nay là một nỗ lực rõ ràng của Chính quyền Biden nhằm gửi tín hiệu đến các tài xế (và cử tri) Mỹ rằng Nhà Trắng có phản ứng với nỗi đau kinh tế”.

Cựu Tổng thống Barack Obama là tổng thống cuối cùng xả dầu từ kho dự trữ chiến lược. Mỹ và các nước khác đưa 60 triệu thùng ra thị trường vào năm 2011 khi cuộc nội chiến làm gián đoạn nguồn cung từ Libya, một nhà xuất khẩu lớn. Sau cân nhắc, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định không bán dầu khi giá tăng vào năm 2018.

Trong những tháng gần đây, Nhà Trắng đã thúc giục Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh tăng sản lượng nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu. Nhưng trong một cuộc họp đầu tháng 11, OPEC và các đồng minh do Nga đứng đầu quyết định bỏ ngoài tai áp lực đó, khiến Nhà Trắng phải sử dụng lựa chọn tiếp theo của mình là xả kho dự trữ.

Một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng những động thái trên của chính quyền Biden là “nỗ lực tuyệt vọng”, và rằng họ cần tập trung vào tăng cường sản lượng sản xuất trong nước.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, mặc dù các đợt xả kho dự trữ của Mỹ không quá hiếm, đây sẽ là đợt xả lớn nhất từ ​​trước đến nay và là lần đầu tiên có sự phối hợp với các nước khác trong một thập kỷ. Giới phân tích cũng cho biết đây là lần đầu tiên Mỹ phối hợp mở kho dự trữ với Trung Quốc và Ấn Độ. Các nỗ lực trước đó thường là cùng với những đồng minh châu Âu và đôi khi là Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Mỹ dự đoán bán 50 triệu thùng từ kho dự trữ, bằng khoảng một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu trong 1 ngày.

Mỹ dự đoán bán 50 triệu thùng từ kho dự trữ, bằng khoảng một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu trong 1 ngày.

Giá xăng dầu tăng gây áp lực lên các nhà lãnh đạo chính trị trên toàn cầu. Tại Mỹ, một cuộc thăm dò được công bố vào Chủ nhật cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ông Biden là 44%, thấp nhất kể từ khi nhậm chức. Chỉ 30% người dân cho biết tình hình kinh tế đang tốt, giảm so với mức 37% trong tháng 10 và 45% vào tháng 7. Chỉ 39% tán thành cách quản lý nền kinh tế của ông Biden và 33% đối với lạm phát.

Các quan chức không nêu rõ thời điểm họ dự báo người tiêu dùng thấy giá xăng dầu bán lẻ thấp hơn, mặc dù lưu ý rằng thường có độ trễ giữa nguồn cung dầu tăng và khi giá bán lẻ giảm.

Hôm thứ Ba, giá dầu thô giao sau của Mỹ tăng 2,3% lên 78,50 USD/thùng, cao hơn 75% so với một năm trước.

Hàn Quốc chưa đưa ra thông báo xác nhận sự tham gia của mình và các quan chức của nước này ở Washington cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Một phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản tại Washington cho biết Nhật Bản sẽ có thông báo chính thức vào thứ Tư tới. Nước này dự kiến lần đầu tiên công bố việc rút từ kho dự trữ chiến lược của mình, khoảng 4,2 triệu thùng, tương đương với lượng tiêu thụ của cả nước trong 1 đến 2 ngày, theo Nikkei.

Ấn Độ cho biết họ sẽ giải phóng 5 triệu thùng dầu thô – hơn một chút so với mức tiêu thụ một ngày – từ nguồn dự trữ dầu chiến lược khoảng 38 triệu thùng. Người phát ngôn của Anh cho biết nước này sẽ xả lượng dầu tương đương 1,5 triệu thùng.