VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Mỹ đạt thỏa thuận với Đức về đường ống Nord Stream 2 của Nga

Mỹ đạt thỏa thuận với Đức về đường ống Nord Stream 2 của Nga

09:21 - 22/07/2021

Thỏa thuận sẽ cho phép dự án Nord Stream 2 hoàn thành, mang lại lợi ích cho Đức và Nga, bất chấp sự phản đối từ Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo về một thỏa thuận hôm thứ Tư giữa Mỹ và Đức cho phép hoàn thành đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 gây tranh cãi của Nga. Động thái này mang lại lợi ích về năng lượng cho Đức và Nga trong khi hạn chế các nhượng bộ đối với Mỹ và Ukraine.

Thỏa thuận cho phép Đức tiếp cận với các nguồn cung cấp năng lượng mở rộng và cho phép Nga tăng gấp đôi việc cung cấp khí đốt tự nhiên trực tiếp cho Đức. Với tuyến đường ống mới, khí đốt của Nga sẽ bỏ qua một tuyến đường hiện có qua Ukraine, quốc gia đã phản đối đường ống này.

Nga sẽ có thể tăng gấp đôi lượng khí đốt giao trực tiếp tới Đức thông qua đường ống Nord Stream 2.

Nga sẽ có thể tăng gấp đôi lượng khí đốt giao trực tiếp tới Đức thông qua đường ống Nord Stream 2.

Các lợi ích của thỏa thuận đối với Mỹ và Ukraine ít rõ ràng hơn, với việc các quan chức Mỹ và Đức đồng ý hỗ trợ Kyiv trong các dự án liên quan đến năng lượng và các sáng kiến ​​ngoại giao. Các quan chức cho biết thỏa thuận không bao gồm yêu cầu của Mỹ về cái gọi là “điều khoản hủy diệt”. Điều khoản này cho phép Berlin đình chỉ các dòng khí đốt trong trường hợp Nga gây hấn với các nước láng giềng hoặc các đồng minh phương Tây.

Các quan chức Mỹ dưới thời 2 chính quyền tổng thống trước đây đã phản đối Nord Stream 2. Washington đã coi đó là một cách để Moscow gia tăng sự ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trên khắp châu Âu, và cố gắng ngăn chặn dự án thông qua áp lực quốc tế và các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Biden, đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Âu và đặc biệt là với Berlin, đã có một cách tiếp cận khác. Trong khi vẫn phản đối đường ống, chính quyền của ông nói không thể ngăn chặn việc hoàn thành đường ống vì đã gần hoàn thành.

“Thật tốt khi chúng tôi và Mỹ một lần nữa chia sẻ các mục tiêu và niềm tin chung, bao gồm cả liên quan đến Nga và chính sách năng lượng, và rằng chúng ta đã có thể đồng ý về các giải pháp mang tính xây dựng liên quan đến vấn đề Nord Stream 2”, Heiko Mass, Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết.

Các ngoại trưởng Ukraine và Ba Lan đã phản ứng gay gắt với thỏa thuận Mỹ – Đức. Trong một tuyên bố chung, họ cho rằng nó tạo ra “mối đe dọa chính trị, quân sự và năng lượng đối với Ukraine và Trung Âu, đồng thời gia tăng khả năng của Nga trong việc gây mất ổn định tình hình an ninh ở châu Âu”.

Nhà Trắng hôm thứ Tư cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ đến thăm ông Biden vào ngày 30/8 tại Washington. Các quan chức cho biết chuyến thăm của ông Zelensky không liên quan đến thỏa thuận Nord Stream.

Thỏa thuận đường ống cũng thu hút sự quan tâm của các nhà lập pháp Mỹ thuộc các đảng Dân chủ và Cộng hòa. “Tổng thống đang trao cho Nga một vũ khí địa chính trị mới”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Barrasso cho biết trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Là một phần của thỏa thuận, Đức đã cam kết ít nhất 175 triệu USD cho một quỹ xanh dành cho Ukraine, thúc đẩy năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng, cải cách quy định và chuyển đổi từ năng lượng than. Đức cũng sẽ cung cấp khoảng 70 triệu USD để thúc đẩy an ninh năng lượng của Ukraine.

Thỏa thuận cũng vạch ra các mục tiêu kéo dài một thỏa thuận khác mà theo đó Nga trả phí vận chuyển khí đốt tự nhiên cho Ukraine và ngăn chặn Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí. Nhưng các quan chức đã không chỉ ra các cơ chế để đạt được các điều đó.

Về thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga, Đức đã đồng ý cử một đặc phái viên để hỗ trợ Ukraine đàm phán gia hạn thỏa thuận, sẽ hết hạn vào năm 2024. Với việc Nord Stream 2 hoạt động, không rõ liệu Nga có sẵn sàng trả tiền để được sử dụng hành lang trung chuyển mà nước này sẽ không còn cần đến.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Đức cũng nêu rõ rằng nếu Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn chống lại Ukraine, Đức sẽ tự mình hành động và thúc ép hành động của châu Âu, bao gồm cả các lệnh trừng phạt, nhằm “hạn chế khả năng xuất khẩu của Nga sang châu Âu”.

Thỏa thuận không nêu rõ Đức sẽ hành động như thế nào để hạn chế xuất khẩu, mặc dù một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói với các phóng viên rằng Đức có lợi thế đàm phán mà nước này có thể sử dụng đối với Nga.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên đi cùng tổng thống trên chuyên cơ Không lực Một rằng các biện pháp nêu trong thỏa thuận thể hiện cam kết của Đức và Mỹ “đẩy lùi các hoạt động có hại của Điện Kremlin”.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen, người ủng hộ các luật trừng phạt Nord Stream 2 trước đây, đã đặt câu hỏi về ích lợi của các điều khoản trong thỏa thuận. “Putin đã nói rõ – thông qua những lời lẽ và hành động của mình – rằng ông ấy sẽ phá vỡ mọi điều kiện mà phương Tây đặt ra để thúc đẩy mục tiêu của Điện Kremlin”, bà nói.