VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Mỹ đe dọa cấm TikTok nếu chủ sở hữu Trung Quốc không bán cổ phần

Mỹ đe dọa cấm TikTok nếu chủ sở hữu Trung Quốc không bán cổ phần

12:03 - 16/03/2023

TikTok nói rằng việc bán cổ phần sẽ không giải quyết lo ngại an ninh quốc gia của Mỹ.

Chính quyền Mỹ yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok bán cổ phần, nếu không có thể phải đối mặt với lệnh cấm, theo các nguồn tin của tờ Wall Street Journal.

Động thái này thể hiện sự thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Biden, vốn đang bị chỉ trích bởi một số đảng viên Đảng Cộng hòa. Họ cho rằng chính quyền không có lập trường đủ cứng rắn để giải quyết điều được coi là mối đe dọa an ninh từ TikTok, do công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh sở hữu.

Theo nguồn tin, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (Cfius) – một lực lượng đặc nhiệm liên bang giám sát rủi ro an ninh quốc gia trong các khoản đầu tư xuyên biên giới – đưa ra yêu cầu bán cổ phần gần đây.

Ban giám đốc của TikTok nói rằng 60% cổ phần của ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu, 20% của nhân viên và 20% của những người sáng lập, mặc dù cổ phần của những người sáng lập có quyền biểu quyết lớn hơn. Công ty được thành lập tại Bắc Kinh vào năm 2012 bởi Zhang Yiming, CEO ByteDance Liang Rubo và những người khác.

CEO Shou Zi Chew của TikTok dự kiến điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần tới.

CEO Shou Zi Chew của TikTok dự kiến điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần tới.

Hôm thứ Tư, TikTok cho biết việc bán cổ phần sẽ không giải quyết được rủi ro an ninh. Công ty đã cam kết chi 1,5 tỷ USD cho một chương trình để bảo vệ dữ liệu và nội dung của người dùng Mỹ khỏi sự truy cập hoặc ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc

“Nếu bảo vệ an ninh quốc gia là mục tiêu, thì việc thoái vốn không giải quyết được vấn đề: việc thay đổi quyền sở hữu sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế mới nào đối với luồng dữ liệu hoặc quyền truy cập”, phát ngôn viên Brooke Oberwetter của TikTok cho biết trong một tuyên bố.

“Cách tốt nhất để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia là bảo vệ dữ liệu và hệ thống của người dùng Mỹ minh bạch, ở Mỹ, với sự giám sát, kiểm tra và xác minh mạnh mẽ của bên thứ ba mà chúng tôi đang triển khai”.

Cuộc đàm phán với Cfius về cách để bảo mật dữ liệu của TikTok đã diễn ra trong hơn 2 năm và đi vào bế tắc trong nhiều tháng. Các đại diện thuộc Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp của Cfius ủng hộ bắt buộc Tiktok bán cổ phần.

Các quan chức Mỹ nhiều lần nhắc đến luật an ninh quốc gia của Trung Quốc như một nguyên nhân gây lo ngại. Luật này bắt buộc các công ty ở Trung Quốc phải nộp dữ liệu người dùng nếu được chính quyền Trung Quốc yêu cầu.

TikTok cho biết kế hoạch bảo mật trị giá 1,5 tỷ USD của họ về cơ bản sẽ tách biệt các hoạt động tại Mỹ với hoạt động tại các nước khác, với tất cả dữ liệu được lưu trữ tại Mỹ. Kế hoạch này cũng kêu gọi cho công ty Oracle của Mỹ khả năng truy cập mã thuật toán của công ty và chỉ ra những vấn đề để chính phủ thanh tra.

Những người chỉ trích cho rằng kế hoạch đó là không đủ, lập luận rằng bất kỳ công ty nào thuộc sở hữu của Trung Quốc cũng phải tuân thủ yêu cầu từ Bắc Kinh.

CEO Shou Zi Chew của TikTok có lịch điều trần trước Hạ viện Mỹ vào tuần tới để trả lời câu hỏi của các nghị sĩ về lo ngại an ninh. Các nguồn tin cho biết vấn đề có thể cần nhiều tháng để giải quyết.

Vào năm 2020, chính quyền Trump từng cố gắng buộc TikTok bán mình cho chủ sở hữu của Mỹ, dựa trên những lo ngại tương tự về an ninh quốc gia. Nhưng nỗ lực đó không thành công khi tòa án chặn lệnh cấm theo yêu cầu của TikTok và ByteDance. Chính quyền Biden cũng có thể gặp khó khăn tương tự nếu họ cấm hoặc buộc TikTok bán mình.