Mỹ cắt đứt gần như hoàn toàn gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi các nhà cung cấp của Mỹ do lo ngại về an ninh quốc gia, thông qua việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu nhắm vào công ty này.
Động thái này đánh dấu đòn tấn công mới nhất trong cuộc đụng độ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi chính quyền Mỹ tìm cách chống lại chính sách công nghiệp của Trung Quốc mà họ cho là đe dọa lợi ích của mình.

Năm 2019, Mỹ cấm xuất khẩu cho Huawei các mặt hàng công nghệ tiên tiến bao gồm chip hỗ trợ 5G cho điện thoại.
Vào năm 2019, chính quyền Trump thêm Huawei vào “Danh sách thực thể” của Bộ Thương mại, một danh sách những công ty nước ngoài được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Thương mại sau đó đồng ý cấp giấy phép cho các công ty Mỹ bán công nghệ cho Huawei miễn là điều đó không gây rủi ro cho an ninh quốc gia. Chính quyền Biden đã dừng cấp các giấy phép như vậy, theo 3 nguồn tin của Reuters.
Các mặt hàng của Mỹ được miễn trừ bao gồm những con chip kém tiên tiến hơn được sử dụng trong điện thoại và máy tính của công ty. Huawei không thể sản xuất điện thoại thông minh hỗ trợ 5G vì các hạn chế của Mỹ cắt đứt công ty khỏi những con chip tiên tiến nhất cần thiết cho tính năng này.
Các quan chức Mỹ đã báo hiệu cho Qualcomm và Intel – những công ty tiếp tục cung cấp cho Huawei –rằng đây là thời điểm tốt để giảm bán hàng cho tập đoàn Trung Quốc, theo một người quen thuộc với vấn đề.
Theo người này, một trong những ý tưởng đang được xem xét là áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, không chỉ cấm giao dịch trực tiếp với Huawei mà còn cấm xuất khẩu sang các công ty khác và trung gian cung cấp cho Huawei. Chính sách đó có khả năng ngăn chặn các giao dịch của Huawei bên ngoài Mỹ do mức độ sử dụng các thành phần của Mỹ.
Việc Huawei bị đưa vào danh sách thực thể tác động đến lợi nhuận của công ty, mặc dù họ cho biết vào cuối năm ngoái rằng họ đã thoát khỏi “chế độ khủng hoảng”. Mặc dù vậy, Huawei không nằm trong top 5 nhà cung cấp thiết bị cầm tay hàng đầu tại Trung Quốc vào năm ngoái, theo công ty nghiên cứu IDC.
Vì giao dịch của Huawei với Mỹ ít đi, tác động trực tiếp của một lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn có thể hạn chế, nhưng nó báo hiệu sự xấu đi hơn nữa trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Sự lo ngại của giới chức Mỹ về các chính sách của Trung Quốc và mối đe dọa của nước này đối với lợi ích của phương Tây tiếp tục gia tăng kể từ khi Huawei bị đưa vào danh sách thực thể. Đối với nhiều nhà hoạch định chính sách, việc đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy rõ ràng rủi ro an ninh quốc gia khi Trung Quốc kiểm soát các phân khúc quan trọng của ngành viễn thông.