VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Mỹ hoãn quyết định về trạng thái “kinh tế thị trường” của Việt Nam sang tháng 8

Mỹ hoãn quyết định về trạng thái “kinh tế thị trường” của Việt Nam sang tháng 8

10:11 - 25/07/2024

Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ hoãn công bố quyết định này sang ngày 2/8, với lý do là gián đoạn công nghệ thông tin do lỗi phần mềm CrowdStrike.

Ngày 24/7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo hoãn quyết định nhạy cảm về việc nâng cấp Việt Nam lên “kinh tế thị trường” khoảng một tuần cho đến đầu tháng 8, với lý do là gián đoạn công nghệ thông tin do lỗi phần mềm CrowdStrike.

Quyết định nâng cấp mà Việt Nam kỳ vọng từ lâu trước đó dự kiến được công bố vào ngày 26/7. Các doanh nghiệp sản xuất thép, ngư dân đánh tôm và nông dân nuôi ong ở Mỹ phản đối việc nâng cấp, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ và một số nhóm doanh nghiệp khác ủng hộ.

Việc nâng cấp sẽ giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam do Việt Nam hiện được xem là một nền kinh tế phi thị trường chịu ảnh hưởng lớn của nhà nước.

“Do sự gián đoạn đang diễn ra đối với các nguồn lực và nền tảng công nghệ thông tin của Bộ Thương mại Mỹ”, thời hạn đưa ra quyết định cuối cùng về các vụ kiện chống bán phá giá sẽ được gia hạn “tổng cộng 6 ngày”, theo một bản ghi nhớ của Bộ Thương mại vào ngày 24/7 do Reuters xem xét.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại cho biết một “số lượng nhỏ” hồ sơ kiện thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đã bị gián đoạn do lỗi bản cập nhật phần mềm gần đây của công ty an ninh mạng CrowdStrike, khiến các hệ thống máy tính trên toàn thế giới bị sập.

“Nhất quán với các hành động của Bộ Thương mại được thực hiện để đối phó với sự gián đoạn do những sự cố như vậy, việc gia hạn đối với một số vụ AD/CVD (thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp) đã được thực hiện. Trường hợp về tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam cũng nằm trong số này và sẽ được công bố vào thứ Sáu, ngày 2/8″.

Mỹ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm năm ngoái của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội. Ảnh: AP

Mỹ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm năm ngoái của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội. Ảnh: AP

Thời hạn ngày 26/7 do Bộ Thương mại Mỹ đặt ra trước đó trở nên khó xử sau cái chết vào tuần trước của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, vì nó trùng với ngày quốc tang của ông được ấn định vào thứ Sáu.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên kế hoạch qua Việt Nam để dự tang lễ hôm thứ Sáu khi bắt đầu chuyến công du châu Á, nhưng bây giờ ông dự kiến ​​sẽ đến viếng gia đình ông Trọng vào cuối tuần.

Trong thời gian làm người đứng đầu đảng, ông Trọng đã theo đuổi chính sách đối ngoại thực dụng, bao gồm phát triển quan hệ với Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng nếu công bố kết quả tiêu cực vào ngày tang lễ của ông Trọng, Bộ Thương mại Mỹ có thể gây tổn hại cho mối quan hệ mà Washington đã nỗ lực thúc đẩy trước sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng với Trung Quốc.

Việt Nam từ lâu đã lập luận rằng nền kinh tế của mình không nên được xem là phi thị trường vì những cải cách kinh tế gần đây, và nói rằng việc duy trì trạng thái này sẽ không tốt cho mối quan hệ hai chiều ngày càng chặt chẽ mà Washington coi là đối trọng với Trung Quốc.

Những người phản đối việc nâng hạng Việt Nam – một trong 12 nền kinh tế mà Washington coi là phi thị trường, bao gồm Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Azerbaijan – cho rằng các cam kết chính sách của Hà Nội chưa tương ứng với các hành động cụ thể và nước này vận hành như một nền kinh tế kế hoạch do Đảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo.

Alexander Vuving – thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Inouye có trụ sở tại Hawaii – cho biết đây là một quyết định “đau đớn” đối với chính quyền Biden, vì họ muốn lôi kéo Việt Nam trong khi xoa dịu các công đoàn lao động và doanh nghiệp trong nước trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 tới.

“Cái chết của ông Trọng có thể gây thêm áp lực cho Mỹ trong việc lôi kéo Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung”, ông Vuving nói. “Những ngày đầu của ban lãnh đạo mới của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hướng đi tương lai của Việt Nam”.

“Quyết định sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu mối lo ngại về bầu cử có lớn hơn mối lo ngại về cạnh tranh đại cường quốc hay không và liệu Nhà Trắng có muốn tác động đến Bộ Thương mại hay khuyến khích Bộ đưa ra quyết định khách quan hay không”.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội năm ngoái, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã quảng bá Việt Nam như một điểm đến “thân thiện” để chuyển chuỗi cung ứng của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Theo: https://www.reuters.com/world/us/us-commerce-dept-delays-sensitive-vietnam-decision-until-august-memorandum-2024-07-24/