VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Mỹ tăng công suất, muốn đảm bảo khí đốt cho châu Âu

Mỹ tăng công suất, muốn đảm bảo khí đốt cho châu Âu

17:24 - 20/02/2022

Mỹ dự kiến trở thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng hàng đầu thế giới trong năm nay.

Mỹ dự kiến tăng ​​công suất sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) 20% ​​vào cuối năm nay, trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới của loại nhiên liệu này, trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực để cắt giảm phụ thuộc vào Nga. Đáng chú ý, lượng đầu tư vào các cơ sở LNG mới của Mỹ tăng lần đầu tiên sau 3 năm, nâng tổng công suất lên 100 triệu tấn trong năm nay.

60% kim ngạch xuất khẩu LNG của Mỹ trong tháng 1 là tới châu Âu.

60% kim ngạch xuất khẩu LNG của Mỹ trong tháng 1 là tới châu Âu.

Theo nhà cung cấp dữ liệu thị trường Kpler, trong tháng 1, Mỹ xuất khẩu khoảng 4,3 triệu tấn LNG sang châu Âu, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ này tăng từ khoảng 10% một năm trước đó. Khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu có nguồn gốc từ Nga. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu trong tháng 1 từ tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga giảm 40% so với một năm trước đó xuống còn 5,8 triệu tấn.

Nhìn vào con số tháng 1, xuất khẩu khí đốt của Mỹ có thể bằng khoảng 70-80% lượng vận chuyển của Nga đến châu Âu. Nhưng nếu sử dụng năm 2020 làm cơ sở (một năm trước khi Nga thắt chặt nguồn cung), xuất khẩu khí đốt của Mỹ sang châu Âu chỉ tương đương với khoảng 40% nguồn cung của Nga sang châu lục này nếu khối lượng được duy trì ở mức tháng 1.

Theo công ty nghiên cứu Rystad Energy, tổng công suất của các nhà máy ở Mỹ đang trong giai đoạn thiết kế hoặc xây dựng trong năm nay là hơn 30 triệu tấn, mức cao nhất trong 8 năm. Gần đây, sản lượng khí tự nhiên hàng tháng đang tiến gần mức cao kỷ lục từng ghi nhận trong nửa cuối năm 2019.

Tuy nhiên, các cơ sở LNG phải mất từ ​​3 đến 4 năm để xây dựng. Điều đó có nghĩa là các nhà máy được đầu tư trong năm nay sẽ không giao hàng cho đến năm 2025 hoặc muộn hơn. Nhưng nếu lượng xuất khẩu đến châu Âu tăng lên, thì khu vực này có thể giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc vào Nga.

Trên toàn cầu, nhu cầu về LNG dự báo tăng 20 triệu tấn trong năm nay lên 400 triệu tấn, theo Japan Oil, Gas and Metals National Corp. Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi mức tiêu dùng ở châu Á. Công suất dư thừa toàn cầu ở mức gần 3 triệu tấn vào tháng 1/2021. Nếu nhu cầu tăng lên 3% mỗi năm, thì con số đó dự kiến ​giảm xuống dưới 700.000 tấn vào tháng 1/2025.

Nếu việc mở rộng công suất không theo kịp nhu cầu, lượng khí tồn kho có thể giảm xuống, giống như ở châu Âu trong mùa đông năm nay. Điều này sẽ tạo tiền đề cho một cuộc tranh giành LNG trên toàn thế giới.