VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Năm 2024: Người tiêu dùng Việt chi gần 6.400 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng

Năm 2024: Người tiêu dùng Việt chi gần 6.400 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng

12:25 - 07/01/2025

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu thống kê mới nhất, người tiêu dùng Việt Nam đã chi gần 6.400 nghìn tỷ đồng cho hàng hóa và dịch vụ. Đây là một con số ấn tượng cho thấy sức mua của người dân đang tăng lên đáng kể, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành hàng và dịch vụ.

Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố trong buổi Họp báo công bố số liệu Thống kê Kinh tế – Xã hội quý 4 và năm 2024, năm 2024, thị trường trong nước đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng trưởng ấn tượng 9% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, trong quý 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 12, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt gần 571 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, tính chung cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023 và nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng là 5,9%.

Trong quý 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

So với thời điểm 2019 – trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 đã tăng 29,4%, cho thấy thị trường đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.921 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức và tăng 8% so với năm 2023. Trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm có mức tăng cao nhất, tăng 10,8%. Nhóm may mặc tiếp nối theo sau khi tăng 8,4%, tiếp đó là phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 8,2%. Nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,0% và cuối cùng là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 so với năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 9,7%; Hải Phòng tăng 9,6%; Cần Thơ tăng 7,8%; Đà Nẵng tăng 7,2%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2%.

Ngoài doanh thu bán lẻ, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt cũng có xu hướng tăng khi đạt 734 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và tăng 13% so với năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% tổng mức và tăng 16% so với năm trước, cho thấy những nỗ lực xúc tiến du lịch đã mang lại kết quả tích cực. Ngoài ra, doanh thu từ các dịch vụ khác đạt 673 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng mức và tăng 9% so với năm trước.

Như vậy, thị trường nội địa không chỉ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, mà đây còn là một tín hiệu tích cực cho thấy sức mua của người dân đang tăng lên, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của thị trường nội địa trong sự phát triển kinh tế.

Tổng cục Thống kê cho rằng, đây là kết quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng. Các giải pháp này được ứng dụng trong những tháng cuối năm, thời điểm mà nhu cầu mua sắm tăng cao, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Mặt khác, theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ vượt kế hoạch, ước tính đạt 7,06%, dẫn đến sự cải thiện trong thu nhập của người dân, với mức tăng gần 500.000 đồng/tháng so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, mức chi tiêu gần 6.400 nghìn tỷ đồng cho thấy sức mua của người dân đang ngày càng tăng và nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ cũng ngày càng đa dạng. Mức tăng này cùng với doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã cho thấy sự khởi sắc của kinh tế Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Trước bối cảnh đó, nhiều chuyên gia dự đoán về xu hướng tiêu dùng Tết năm nay.  Theo PwC Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, thay vì chi tiêu cho hàng xa xỉ. Điều này thể hiện rõ qua 63% người được khảo sát cho biết họ quan tâm đến giá cả hơn so với năm trước. Vì vậy, các doanh nghiệp cần linh hoạt đưa ra đa dạng biến thể sản phẩm với mức giá phù hợp, để có thể chinh phục và đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Đặc biệt, trong mùa Tết năm nay là người tiêu dùng không còn giữ thói quen chờ đợi đến sát Tết để mua sắm, nhiều người đã lên kế hoạch từ sớm và đơn giản hoá trong cách chi tiêu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhạy bén nắm bắt xu hướng và nghiên cứu sản phẩm phù hợp.

https://www.vietnamplus.vn/nam-2024-nguoi-viet-chi-gan-6400-nghin-ty-dong-cho-tieu-dung-post1006044.vnp