VNReport»Kinh tế»Tài chính»Năm 2025, bảo hiểm nhân thọ đặt mục tiêu tăng trưởng 3% doanh thu

Năm 2025, bảo hiểm nhân thọ đặt mục tiêu tăng trưởng 3% doanh thu

17:12 - 03/01/2025

Năm 2025, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu lên đến 3%. Trong bối cảnh ngành bảo hiểm có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực sau thời gian gặp khó khăn vì Covid-19, con số này cho thấy kỳ vọng của các doanh nghiệp bảo hiểm về một năm mới đầy triển vọng.

Mới đây, Bộ Tài chính công bố, dự kiến năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 239.636 tỷ đồng (tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 85.938 tỷ đồng (tăng 9,77%), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 153.698 tỷ đồng (tăng 3%).

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến tháng 9/2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) đạt 165.500 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.540 tỷ đồng, tăng gần 12,8%. Còn doanh số bảo hiểm nhân thọ vẫn đi lùi sau cuộc khủng hoảng vào năm ngoái, khi giảm 6,4% sau 9 tháng, đạt 106.980 tỷ đồng.

Những số liệu từ năm 2024 cho thấy thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong báo cáo mới nhất của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng thể hiện điều này. Theo đó, báo cáo cho biết, 7 tháng đầu năm, doanh thu phí khai thác mới của khối này giảm tới 18,7% so với cùng kỳ, chỉ đạt 13.960 tỷ đồng. Mức này thấp hơn một nửa so với cùng kỳ 2022 – thời điểm trước khi xảy ra những biến cố trên thị trường gây sụt giảm niềm tin khách hàng.

Tính đến tháng 9/2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 106.980 tỷ đồng

Hiện nay, tại Việt Nam, có 85 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với tổng tài sản ước đạt 861.788 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi khoảng 64.070 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 821.240 tỷ đồng, tăng gần 10%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 978.900 tỷ đồng, tăng 9,8%.

Đáng nói là, bảo hiểm nhân thọ đã có một thời gian dài chìm trong khó khăn. Theo các báo cáo, từ tháng 4/2023 đến tháng 10/2024, trong suốt 18 tháng, ngành bảo hiểm nhân thọ đối diện với nhiều thay đổi, cộng với tình hình kinh tế nhiều biến động thời kỳ hậu Covid-19 đã tác động trực tiếp đến ngành bảo hiểm nhân thọ.

Mục tiêu tăng trưởng 3% cho năm 2025 cho thấy kỳ vọng của các doanh nghiệp bảo hiểm về một năm mới đầy triển vọng.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong quý III/2024, doanh thu khai thác mới khối bảo hiểm nhân thọ đạt hơn 5.934 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (5.874 tỷ đồng). Mặc dù mức tăng trưởng này vẫn còn khiêm tốn nhưng đây được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính – bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Hơn nữa, các doanh nghiệp đang liên tục triển khai các hoạt động hướng về khách hàng, như đơn giản hóa quy trình, giới thiệu các sản phẩm đa dạng phù hợp với các phân khúc khác nhau, nâng cao quyền lợi bảo vệ, chăm sóc khách hàng… để thu hút thêm khách hàng, cải thiện tình hình.

Nhìn chung, bảo hiểm nhân thọ không phải là kênh đầu tư tài chính thuần tuý, nhưng nó lại được xem như một công cụ bảo vệ tài chính. Vậy có nên mua bảo hiểm nhân thọ không?

Ngày nay, nhiều người lựa chọn mua bảo hiểm nhân thọ với mục đích bảo vệ tài chính cho gia đình khi không may xảy ra rủi ro. Đồng thời, một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có liên kết đầu tư, mang lại tiềm năng sinh lời, khoản sinh lời có thể giúp bạn tăng tài sản theo thời gian, hoặc giúp bạn tạo lập một quỹ dự phòng cho những mục tiêu tài chính dài hạn như mua nhà, mua xe, học tập,…

Tuy nhiên, bảo hiểm nhân thọ cũng đi kèm rủi ro.

Trước tiên, phí bảo hiểm nhân thọ thường khá cao, đặc biệt là đối với những người có tuổi đời cao hoặc tiền sử bệnh lý. Bạn cần cân nhắc kỹ khoản này khi quyết định mua bảo hiểm. Chưa kể, người mua sẽ phải đóng phí bảo hiểm trong một thời gian dài mới có thể nhận được lợi ích. Không chỉ thế, các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm thường rất phức tạp, khiến người mua khó hiểu và dễ bị nhầm lẫn. Mặt khác, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư có thể mang lại rủi ro mất vốn.

Thực tế, tương tự như các loại hình đầu tư hay bảo vệ tài chính, bảo hiểm nhân thọ vẫn có cả lợi ích và rủi ro. Chính vì thế, để quyết định có nên mua bảo hiểm nhân thọ hay không, cần cân nhắc mục đích và khả năng chi trả phí bảo hiểm hàng tháng của mình. Tìm hiểu kỹ về các loại phí, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm. Tốt nhất là tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính hoặc tư vấn bảo hiểm để được hỗ trợ đưa ra quyết định đúng đắn.

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nam-2025-bao-hiem-nhan-tho-dat-muc-tieu-tang-truong-3-doanh-thu-post361005.html