VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Năm 2025 có tăng lương tối thiểu?

Năm 2025 có tăng lương tối thiểu?

11:48 - 28/02/2025

Tháng 3 hàng năm là thời điểm Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng. Việc tăng lương tối thiểu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của hàng triệu người lao động, mà còn tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và sự ổn định của nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh lạm phát và giá cả sinh hoạt tăng cao như hiện nay.

Theo nguồn tin từ Báo điện tử VietNamNet, Bộ LĐ-TB&XH vừa yêu cầu các tỉnh, thành rà soát việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2024 và đề xuất điều chỉnh phân vùng hiện tại. Yêu cầu này nhằm chuẩn bị cho phương án đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2025 theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Tiền lương tối thiểu, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), là mức lương thấp nhất cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, nhằm đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình. Đây không phải là mức lương cho tất cả mà chỉ là mức không được trả thấp hơn cho những lao động có thu nhập thấp nhất.

Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Chính vì thế, hằng năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp để tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu. Lần gần nhất, Hội đồng đã tham mưu ban hành Nghị định 74/2024, theo đó từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng bình quân 6% so với năm 2023. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng hiện tại là: Vùng I: 4,96 triệu đồng/tháng; Vùng II: 4,41 triệu đồng/tháng; Vùng III: 3,86 triệu đồng/tháng; Vùng IV: 3,45 triệu đồng/tháng.

Như thường lệ, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết cơ quan này sẽ đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng vào tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, do các bộ, ngành đang tập trung sắp xếp bộ máy, việc đề xuất chính thức sẽ diễn ra sau khi hoàn thành quá trình hợp nhất.

Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Trước đó, LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 1225/QĐ-BLĐTBXH về việc điều tra năm 2024 về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp để có dữ liệu phục vụ cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2025.

Cụ thể, việc điều tra được tiến hành tại 3.400 doanh nghiệp với 6.800 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp này, để làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2025.

Đáng chú ý, kết quả của cuộc điều tra sẽ phục vụ công tác quản lý, công bố mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động để doanh nghiệp, người lao động tham khảo làm cơ sở thương lượng tiền lương.

Dù khảo sát nhưng việc điều chỉnh này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dựa trên nhiều yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô, năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng sẽ cần có những đánh giá và phân tích toàn diện để đưa ra quyết định phù hợp, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ.

Từ 2020 đến 2023, việc tăng lương bị hoãn lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến năm ngoái, lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng 6%.

Trên thực tế, người lao động luôn mong muốn tăng lương, nhưng việc này cần cân nhắc giữa lợi ích của cả hai bên, tùy thuộc vào khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Về việc có thể bỏ lương tối thiểu vùng hay không, ông Lê Đình Quảng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng chưa thể thực hiện, vì thương lượng lao động tại Việt Nam còn yếu. Do đó, cần duy trì hội đồng tiền lương để đàm phán tăng lương tối thiểu vùng hàng năm.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho biết lương tối thiểu vùng được quy định để đảm bảo mức sống cho người lao động ở các vùng khác nhau, phù hợp với biến động giá cả và điều kiện sinh hoạt.

https://vietnamnet.vn/nam-2025-co-tang-luong-toi-thieu-2375391.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews