VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nâng cao vị thế hàng Việt

Nâng cao vị thế hàng Việt

15:45 - 23/08/2024

Nâng cao vị thế của hàng hoá Việt Nam là vấn đề then chốt với nền kinh tế nước ta.

“Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là một chiến dịch được Bộ Chính trị phát động vào năm 2009. Đây là một quyết định quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và nâng cao vị thế của hàng Việt trên thị trường.

Từ chiến dịch này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng dần chú trọng đầu tư vào chất lượng, thiết kế và nhãn mác sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Khoảng từ những năm 2010 trở lại đây, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách ủng hộ hàng Việt với sự ra đời của nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động tái cơ cấu sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm “Made in Vietnam” ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng hơn, đồng thời cũng góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều mặt hàng Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, nông sản đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực cải thiện và đạt được những kết quả nhất định. Nhiều sản phẩm đã được đầu tư, cải tiến về kiểu dáng, công nghệ sản xuất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc phát triển và nâng cao vị thế của hàng hoá Việt Nam là vấn đề then chốt với nền kinh tế. Vẫn còn tình trạng một số sản phẩm hàng Việt chưa thực sự đảm bảo chất lượng, mẫu mã chưa đẹp mắt, chưa đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Nhiều mặt hàng Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường

Thực tế, những năm gần đây, tỷ lệ “người Việt dùng hàng Việt” đã có sự cải thiện.

Chuyên trang Thủ đô Hà Nội công bố thống kê của Bộ Công Thương, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 90% trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và từ 60%-90% tại hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi trên kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm từ 60% trở lên. Không chỉ thế, qua khảo sát, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn hàng Việt Nam có thương hiệu, chất lượng và có lợi cho sức khỏe chiếm 76%. Các doanh nghiệp phân phối, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, đánh giá chất lượng hàng Việt Nam được cải tiến rất nhiều, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý.

Song, do ảnh hưởng của những định kiến và thói quen tiêu dùng lâu năm, nhiều người vẫn cho rằng hàng ngoại luôn có chất lượng tốt hơn, đẹp hơn so với hàng Việt. Ngoài ra, việc thiếu các chiến dịch quảng bá hiệu quả, hàng Việt vẫn chưa chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì thế, nhiều người vẫn nhìn nhận hàng Việt là kém chất lượng so với hàng nhập khẩu. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu, dù đôi khi giá cả cao hơn. Vì vậy, thị phần của hàng Việt trên thị trường nội địa vẫn chưa được như mong đợi.

Nhận thức rõ thực trạng này, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt đã chú trọng xây dựng và có sự đầu tư thích đáng cho công nghệ, sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp để mở rộng phạm vi tiếp cận với người tiêu dùng hơn.

Các cấp, ngành cũng cần tiếp tục đổi mới cách thức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chú trọng hoạt động xúc tiến, quảng bá hàng Việt và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về vốn, tiếp cận công nghệ, phương thức quản trị tiên tiến. Không chỉ đưa hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa mà còn đưa hàng Việt vào kênh phân phối của nước ngoài; có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước đi cùng với kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng.

Tiếp đó, cần chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử. Phương thức tiêu dùng thay đổi buộc hệ thống bán lẻ cũng phải thay đổi, mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Trong chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối là mắt xích rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, doanh nghiệp cần chung tay xây dựng các thương hiệu hàng Việt Nam đủ mạnh, không chỉ đứng vững trên thị trường nội địa mà còn vươn tầm khu vực, thế giới; xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn tôn trọng và bảo vệ khách hàng.

Măt khác, doanh nghiệp trong nước có lợi thế là am hiểu văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, cơ sở sản xuất tại chỗ, chi phí thấp hơn cùng với hệ thống phân phối rộng khắp.

Không phủ nhận hàng Việt đã có những bước tiến đáng kể trong 20 năm gần đây. Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự có vị thế và chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng thì các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực cải thiện sản phẩm, hợp tác chặt chẽ với Chính phủ trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để hàng Việt trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Theo: https://thanglong.chinhphu.vn/nang-cao-vi-the-hang-viet-103240819130536176.htm