VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nga đóng vô thời hạn đường ống Nord Stream

Nga đóng vô thời hạn đường ống Nord Stream

17:23 - 03/09/2022

Động thái được đưa ra vài giờ sau khi các nước G7 đồng ý áp trần giá lên dầu thô của Nga, làm gia tăng áp lực lên châu Âu tránh thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này.

Nga đình chỉ vô thời hạn dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu thông qua một đường ống quan trọng vài giờ sau khi nhóm G7 đồng ý giới hạn giá đối với dầu thô của Nga. Đây là hai đòn đánh được trao đổi giữa Moscow và phương Tây trong cuộc chiến kinh tế diễn ra song song với xung đột quân sự ở Ukraine.

Gazprom – công ty năng lượng nhà nước của Nga – cho biết vào cuối ngày thứ Sáu rằng họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream cho đến khi có thông báo mới, gây áp lực lên châu Âu khi các chính phủ chạy đua để tránh tình trạng thiếu năng lượng trong mùa đông này.

Gazprom cho biết họ phát hiện ra lỗi kỹ thuật trong quá trình bảo trì đường ống nối Nga với Đức dưới biển Baltic. Công ty nói rằng đường ống sẽ tiếp tục ngừng hoạt động cho đến khi vấn đề được khắc phục mà không đưa ra bất kỳ mốc thời gian nào. Theo lịch trước đó, đường ống đáng ra hoạt động trở lại vào đầu thứ Bảy sau khi bảo trì 3 ngày. Trước khi bảo dưỡng, đường ống chỉ hoạt động ở mức 20% công suất.

Nga bắt đầu giảm nguồn cung qua Nord Stream từ tháng 6, nói rằng việc bảo trì cần thiết bị bị chặn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Điều đó bị các quan chức châu Âu bác bỏ như một cái cớ để điện Kremlin sử dụng khí đốt cho việc trừng phạt châu Âu vì ủng hộ Ukraine.

Gazprom nói rằng họ phát hiện lỗi kỹ thuật trong quá trình bảo trì đường ống Nord Stream.

Gazprom nói rằng họ phát hiện lỗi kỹ thuật trong quá trình bảo trì đường ống Nord Stream.

Việc đóng cửa hoàn toàn Nord Stream buộc các chính phủ châu Âu phải tăng tốc thúc đẩy quá trình tách khỏi khí đốt của Nga trước những tháng mùa đông và có thể buộc họ phải phân phối năng lượng theo định mức – một động thái có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp sản xuất và đẩy nền kinh tế vốn đã khó khăn của lục địa vào suy thoái.

“Bằng cách giảm hơn nữa nguồn cung khí đốt, Nga đang thắt chặt gọng kìm với EU”, Janis Kluge – một chuyên gia về Nga tại Viện Quốc tế và An ninh Đức – cho biết. “Giờ đây, châu Âu sẽ phải nỗ lực hết sức để tiết kiệm nhiều khí đốt hơn”. Động thái này cũng tước đi đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ nhất của Moscow đối với châu Âu và có thể xóa bỏ mọi lo ngại còn lại ở các chính phủ châu Âu về khả năng bị trả thù nếu nâng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

Moscow và phương Tây đã tham gia vào một cuộc chiến kinh tế kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2. Các nước phương Tây áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Nga, và Moscow cố gắng ngăn chặn quyền tiếp cận của các quốc gia không thân thiện với khí đốt của họ, mà châu Âu sử dụng để sưởi ấm và phát điện.

ArcelorMittal SA – một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới – là ông lớn công nghiệp mới nhất giảm công suất ở châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Hôm thứ Sáu, công ty cho biết rằng họ sẽ đóng cửa 2 nhà máy của mình ở Đức trong bối cảnh chi phí điện tăng cao. Sản xuất thép đặc biệt tiêu tốn nhiều năng lượng, cùng với các ngành công nghiệp khác như sản xuất phân bón, hóa chất và sản xuất thủy tinh.

Hôm thứ Sáu, các nước G7 cho biết họ sẽ áp đặt trần giá lên dầu của Nga. Cơ chế này buộc những người mua muốn mua bảo hiểm cho lô hàng của họ thông qua các công ty bảo hiểm ở một nước G7 hoặc EU phải tuân theo giới hạn giá. Trần giá bắt nguồn từ một sáng kiến ​​của Mỹ, đã được thảo luận trong nhiều tháng và mức cụ thể sẽ được thiết lập ở một cuộc họp trong tương lai.

Nga cho biết các nước áp đặt trần giá sẽ không nhận được bất kỳ thùng dầu nào của Nga. Doanh thu từ dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với doanh thu từ khí đốt tự nhiên trong ngân sách chính phủ Nga.

Vài giờ trước thông báo về Nord Stream của Gazprom, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner ca ngợi quyết định của G7, nói rằng “Nga đang tạo ra lợi nhuận lớn từ việc xuất khẩu các mặt hàng như dầu mỏ, đây là điều mà chúng ta phải chống lại một cách mạnh mẽ”. Ông nói thêm rằng trần giá sẽ giúp chống lại lạm phát ở EU.

Động thái của Nga được đưa ra vài giờ sau khi nhóm G7 đồng ý áp đặt trần giá đối với dầu của Nga.

Động thái của Nga được đưa ra vài giờ sau khi nhóm G7 đồng ý áp đặt trần giá đối với dầu của Nga.

Nga có đủ công suất thông qua các đường ống dẫn khí đốt khác đến châu Âu để bù đắp cho sự thiếu hụt của Nord Stream. Tuy nhiên, khí đốt qua các tuyến khác giảm sau khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine. Vào tháng 5, Ukraine ngừng một tuyến vận chuyển khí đốt, đổ lỗi cho sự can thiệp của quân Nga. Khí đốt giao qua một đường ống khác là Yamal ngừng trong năm nay do các lệnh trừng phạt của Nga lên một đơn vị đồng sở hữu của Ba Lan.

Tuần này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này không thể dựa vào Nord Stream trong mùa đông. Để phản ứng với việc đóng cửa Nord Stream, một phát ngôn viên của Bộ cho biết rằng Đức chuẩn bị tốt hơn nhiều so với vài tháng trước. “Chúng tôi nhận thấy sự không đáng tin cậy của Nga trong vài tuần qua, và do đó, chúng tôi đã kiên định và nhất quán theo đuổi các biện pháp của mình để củng cố sự độc lập của chúng tôi khỏi nhập khẩu năng lượng từ Nga”, phát ngôn viên cho biết.

Klaus Müller – người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức – cho biết nước này cần tăng cường nhập khẩu khí đốt từ các nhà cung cấp khác, tiếp tục lấp đầy các kho khí đốt và cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt.

“Chúng tôi đã xem các tuyên bố của Gazprom về kế hoạch ngừng dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu thông qua Nord Stream 1 do điều được cho là sự cố rò rỉ dầu”, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Các hành động của Nga tiếp tục chứng tỏ nước này không phải là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy”.

Các quan chức châu Âu từng kỳ vọng rằng Điện Kremlin sẽ sử dụng khí đốt để giữ cho thị trường và các chính phủ ở trạng thái căng thẳng và làm giảm sự ủng hộ của công chúng phương Tây cho Ukraine.

Một giám đốc cấp cao thuộc một công ty khí đốt của Đức trước đây do Gazprom kiểm soát cho biết rằng ông hy vọng các nhà nhập khẩu khí đốt vận chuyển qua Nord Stream của Đức sẽ ngừng thanh toán các nghĩa vụ hợp đồng của họ với Gazprom.

Giá khí đốt tự nhiên phá kỷ lục trong những tuần gần đây trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, mặc dù giá giảm mạnh trong những ngày qua, mà theo một số nhà phân tích là nhờ tốc độ mà châu Âu đã lấp đầy kho dự trữ của mình trong suốt mùa hè. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng việc Nord Stream ngừng hoạt động sẽ khiến giá tăng trở lại. Quyết định của Gazprom “sẽ khơi mòi lại sự không chắc chắn của thị trường liên quan đến khả năng dự trữ của khu vực trong suốt mùa đông, thúc đẩy một đợt tăng giá đáng kể”, ngân hàng cho biết trong một lưu ý cho khách hàng.

Gazprom bắt đầu cắt giảm dòng khí từ tháng 6, với lý do các tuabin gặp sự cố kỹ thuật. Công ty khẳng định rằng một tuabin quan trọng không thể được gửi đến Nga sau khi nó được bảo trì ở Canada vì các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Moscow. Nhưng Đức – nơi đặt tuabin – nói rằng không có trở ngại nào và thực tế là Moscow ngăn cản việc tuabin quay trở lại Nga.

Gazprom bắt đầu cắt giảm dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream từ tháng 6.

Gazprom bắt đầu cắt giảm dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream từ tháng 6.

Hôm thứ Sáu, Gazprom nói rằng họ tìm thấy một vết rò rỉ dầu trong một tuabin tại trạm nén của đường ống. Gazprom nói rằng vấn đề tương tự cũng được tìm thấy với các tuabin khác trong mùa hè này, dẫn đến việc giảm lưu lượng khí. Gazprom cho biết họ đã thông báo cho công ty Siemens Energy AG của Đức – đơn vị bảo trì các tuabin – về vụ rò rỉ mới. Gazprom nói rằng chỉ có thể thực hiện những sửa chữa cần thiết tại một cơ sở chuyên biệt. Trước đó, một số tuabin cho đường ống đã được Siemens Energy ở Canada sửa chữa.

Siemens Energy nói rằng thông báo của Gazprom không phải là lý do kỹ thuật để ngừng hoạt động. “Những rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng đến hoạt động của tuabin và có thể được bịt kín tại chỗ. Đó là một quy trình thông thường trong quá trình bảo trì”, công ty cho biết. Họ cho biết họ hiện không được thuê cho công việc bảo trì nhưng sẵn sàng hỗ trợ.

Châu Âu đã chuẩn bị cho khả năng cắt khí đốt của Nga, với các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU được lấp đầy nhanh hơn dự kiến ​​trong mùa hè này, lên tới hơn 80%. Tuy nhiên, nếu Nord Stream vẫn đóng, các kho khí đốt của châu Âu sẽ kết thúc mùa đông ở mức 26% công suất, làm phức tạp tình hình vào mùa đông sau đó, theo Massimo Di Odoardo thuộc công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie.

Đức – nước nhận hơn một nửa lượng khí đốt từ Nga trước cuộc chiến ở Ukraine – đang chạy đua để đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và lắp đặt các trạm tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi để nhận khí đốt từ Mỹ và các nơi khác. Trong những tháng gần đây, khí đốt nhập khẩu của Đức từ Na Uy, Bỉ và Hà Lan vượt xa lượng khí đốt từ Nga. Nước này đã gần đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt 85%, ban đầu được đặt ra vào ngày 1/10. Tuy nhiên, các quan chức Đức cảnh báo rằng việc đạt được mốc 95% tiếp theo vào ngày 1/11 là một thách thức trừ khi các doanh nghiệp và hộ gia đình cắt giảm tiêu thụ.

Đường ống Nord Stream dài 1.222 km lần đầu tiên được khai trương vào năm 2011. Nga và một liên doanh các công ty năng lượng châu Âu đã xây dựng đường ống thứ hai – Nord Stream 2 – chạy song song với đường ống ban đầu để tăng gấp đôi công suất. Nhưng chính phủ Đức đóng băng dự án đó vào tháng 2 vì cuộc chiến tranh ở Ukraine.