VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nga giảm khí đốt qua đường ống Nord Stream đến châu Âu

Nga giảm khí đốt qua đường ống Nord Stream đến châu Âu

09:54 - 26/07/2022

Nga cắt giảm thêm dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu, gia tăng áp lực lên lục địa để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông tới.

Tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga cắt giảm thêm dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu từ thứ Tư tới, hạ nguồn cung qua đường ống Nord Stream xuống chỉ còn 20%.

Vào tuần trước, đường ống này mở lại ở mức 40% sau khi ngừng hoạt động trong 10 ngày để bảo trì theo lịch.

Giá bán buôn khí đốt ở châu Âu tăng 12% hôm thứ Hai lên 179 euro/MWh. Giá mặt hàng này đã tăng gấp đôi trong năm nay và được giới phân tích cho là sẽ tiếp tục tăng lên khi mùa đông đến gần.

Về lý do giảm công suất, Gazprom đổ lỗi một phần do một tuabin được gửi đến Canada để sửa chữa vào tháng 6. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga ban đầu cản trở việc trả lại tuabin đó, nhưng Canada cho phép đưa tuabin trở lại Đức vào đầu tháng này.

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Gazprom cho biết rằng họ đã nhận được tài liệu do chính quyền Canada cung cấp về tuabin, nhưng “sau khi nghiên cứu các tài liệu, Gazprom phải kết luận rằng chúng không loại bỏ các rủi ro đã xác định trước đó và làm phát sinh thêm các câu hỏi”. “Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt mà EU và Anh áp đặt vẫn chưa được giải quyết đối với Gazprom”, gã khổng lồ khí đốt cho biết.

Gazprom đổ lỗi cho các vấn đề về tuabin về việc cắt giảm thêm dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream.

Gazprom đổ lỗi cho các vấn đề về tuabin về việc cắt giảm thêm dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream.

Siemens Energy – công ty bảo trì các tuabin – nói rằng họ không nhận thấy có mối liên hệ nào giữa tuabin và việc cắt giảm khí đốt. Họ cho biết thêm rằng trong 10 năm qua, không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào liên quan đến bảo trì.

Châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu khí đốt và 30% nhu cầu dầu từ Nga. Các quan chức Đức và châu Âu đã cáo buộc Điện Kremlin đang cố gắng tăng giá năng lượng thông qua việc cắt giảm dòng khí đốt tự nhiên.

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Ursula von der Leyen cho biết rằng Nga đang sử dụng năng lượng làm vũ khí, và châu Âu cần phải sẵn sàng cho việc nước này cắt giảm phần lớn hoặc toàn bộ nguồn cung khí đốt. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng đã cảnh báo về “hậu quả thảm khốc” đối với thị trường năng lượng toàn cầu nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga tiếp diễn trong bối cảnh chiến tranh Ukraine.

Kế hoạch cắt giảm của Nga làm phức tạp thêm nỗ lực của châu Âu để lấp đầy kho khí đốt trước mùa đông. Nếu không có đủ khí đốt trong những tháng có nhu cầu cao hơn, các chính phủ cho biết họ có khả năng sẽ phải phân phối năng lượng theo định mức và nền kinh tế của lục địa có thể chìm vào suy thoái. Cơ quan quản lý năng lượng liên bang của Đức cho biết nước này khó đạt được mục tiêu dự trữ với lưu lượng của Nord Stream bị giới hạn ở mức 40%. Đạt được mục tiêu dự trữ ở mức lưu lượng 20% sẽ còn khó khăn hơn.

Berlin đã vạch ra kế hoạch ưu tiên khí đốt cho người tiêu dùng, bệnh viện và các lĩnh vực quan trọng khác trong khi có thể khiến sản xuất công nghiệp thiếu năng lượng. Đối với nhiều công ty trong các lĩnh vực phụ thuộc vào khí đốt, chẳng hạn như hóa chất, phân phối định mức đồng nghĩa với việc ngừng sản xuất hoàn toàn, có nguy cơ cắt giảm việc làm và thay đổi chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Trong bối cảnh bế tắc dòng chảy Nord Stream, EU tuần trước đã vạch ra kế hoạch cắt giảm nhu cầu khí đốt 15%. Chương trình sẽ bắt đầu bằng một loạt các hoạt động cắt giảm tự nguyện thông qua việc thay đổi loại nhiên liệu, đóng cửa nhà máy và giảm mức tiêu thụ năng lượng trong các khối văn phòng và các tòa nhà công cộng.

Các chính phủ trên khắp châu Âu đang cố gắng đảm bảo nguồn khí đốt từ những nhà cung cấp khác, bao gồm Na Uy, Algeria, Mỹ và Qatar, thường là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu. Đức đang xây dựng một số kho LNG trên bờ biển và đã thuê 5 kho nổi có thể xử lý các lô hàng LNG trong ngắn hạn. Cùng với việc Nga cắt giảm nguồn cung, châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống ít hơn gần 70% so với thời điểm này một năm trước trong nửa đầu tháng 7, theo công ty dữ liệu hàng hóa ICIS.

Chiến lược này cũng mang lại rủi ro cho Moscow vì xuất khẩu khí đốt – không giống như dầu – bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng đường ống, hầu hết hướng đến châu Âu. Các nhà phân tích cho biết rằng Nga đang bơm thêm khí đốt vào kho chứa và đóng một phần hoạt động sản xuất. Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, sản lượng của Gazprom giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu tháng 7.