VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng Phương Đông (OCB): Tỷ lệ nợ xấu vượt mức quy định, phát hành 26.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

Ngân hàng Phương Đông (OCB): Tỷ lệ nợ xấu vượt mức quy định, phát hành 26.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

10:22 - 30/06/2023

Với tổng 26.000 tỷ trái phiếu phát hành trong năm nay, đây cũng là lượng trái phiếu phát hành lớn nhất của OCB từ trước đến nay.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) được thành lập từ ngày 10/06/1996. OCB hiện có hơn 200 đơn vị kinh doanh trải dài tại khắp các tỉnh thành, trung tâm kinh tế trọng điểm trên cả nước. Và được đánh giá là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt và ổn định trong nhiều năm liền

OCB được Ngân hàng Nhà nước công nhận là một trong ba ngân hàng đầu tiên hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II vào cuối năm 2018.

OCB đã từng bước vươn lên nhóm ngân hàng tư nhân hàng đầu tại Việt Nam. OCB trở thành ngân hàng thương mại cổ phần giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, số 3 về hiệu quả lợi nhuận trên vốn.

Mới đây nhất, ngày 26/6, OCB cũng đã thông báo phát hành thành công lô trái phiếu OCBL2328001 kỳ hạn 5 năm với giá trị 200 tỷ đồng.

Đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Ngân hàng Phương Đông tăng vốn điều lệ tối đa thêm 6.849 tỷ đồng bằng hình thức phát hành thêm gần 685 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 50%) cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng, tương đương tăng 6.849 tỷ đồng.

Mới đây, Hội đồng OCB vừa công bố nghị quyết thông qua việc chào bán và phát hành tối đa 26.000 tỷ trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán. Khối lượng phát hành dự kiến tối đa 26.000 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Lượng trái phiếu này dự kiến được Ngân hàng Phương Đông phát hành thành 15 đợt, giá trị mỗi đợt từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng trong quý 2, 3 và 4/2023. Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật. Với tổng 26.000 tỷ trái phiếu phát hành trong năm nay, đây cũng là lượng trái phiếu phát hành lớn nhất của OCB từ trước đến nay.

Số tiền thu về từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ được Ngân hàng Phương Đông dùng để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định hiện hành. Ngân hàng Phương Đông đã thanh toán đủ gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành này.

Liên quan đến trái phiếu, trong giai đoạn 2020 – 2022, OCB đã thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn. Được biết, tổng số lượng trái phiếu đã phát hành trong 3 năm qua của ngân hàng này là 17.935 trái phiếu.

Vào tháng 5/2023, OCB cũng đã tiến hành mua lại trước hạn toàn bộ 1.500 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã OCBH2124001. OCBH2124001 có kỳ hạn 3 năm, được phát hành vào ngày 10/5/2021 nhằm tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ nhu cầu cho vay trong hoạt động kinh doanh của OCB.

Đây là trái phiếu không có tài sản đảm bảo, lãi suất phát hành thực tế cố định là 4,2%/năm. Đợt phát hành được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cùng với CTCP Chứng khoán Rồng Việt và được mua trọn bởi một công ty chứng khoán.

Mới đây nhất, ngày 26/6, OCB cũng đã thông báo phát hành thành công lô trái phiếu OCBL2328001 kỳ hạn 5 năm với giá trị 200 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 1/2023, Ngân hàng Phương Đông ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 2.089 tỷ đồng; trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 84% trong cấu trúc tổng thu nhập của ngân hàng này. Tỷ lệ thu nhập lãi thuận (NIM) của Ngân hàng Phương Đông đạt 3,9%, tăng so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Phương Đông trong quý 1/2023 đạt 983 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế ở mức 6.000 tỷ đồng, tăng 36,7% so với năm 2022.

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của OCB đạt hơn 199.100 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 1,8%; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng hơn 19%. Huy động vốn khách hàng tăng 3,3%.

Về chất lượng tài sản, tính đến 31/3/2023, tổng nợ xấu tăng vọt 51% so với đầu năm, lên tới 4.045 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng tới 54% lên hơn 1.030 tỷ đồng; nợ nhóm 4 cũng tăng tới 55% lên hơn 970 tỷ đồng và nợ nhóm 5 ghi nhận hơn 2.043 tỷ đồng, tăng tới 49%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng mạnh từ 2,2% hồi đầu năm lên tới 3,3% (vượt mức quy định của Ngân hàng nhà nước).

Mặc dù nợ xấu tại OCB tăng, song quý 1/2023 ngân hàng lại giảm chi phí dự phòng rủi ro và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 59% hồi đầu năm xuống còn 46% tính đến 31/3/2023. Ngân hàng cũng giảm 21% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm ngoái, từ 434 tỷ đồng xuống còn 342 tỷ đồng.

Trong năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 36,7% so với năm trước; ROE đạt 17,14%; CAR tối thiểu đạt 10%. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, Ngân hàng Phương Đông đã hoàn thành hơn 16% mục tiêu lợi nhuận cả năm.