VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng thận trọng với mục tiêu lợi nhuận năm 2023

Ngân hàng thận trọng với mục tiêu lợi nhuận năm 2023

11:21 - 03/03/2023

Các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 thấp hơn nhiều so với tốc độ ghi nhận trong năm 2022, khi tình hình kinh tế trong và ngoài nước dự báo nhiều thách thức.

Các ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng năm 2023, với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hầu hết thấp hơn nhiều so với kết quả đạt được năm ngoái, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế được dự báo có nhiều thách thức.

Tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023, lãnh đạo Vietcombank công bố sơ bộ kế hoạch kinh doanh năm nay với lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm ngoái, ước đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, lợi nhuận của ngân hàng này tăng trưởng 35,9% so với năm 2021, đạt kỷ lục 37.359 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh trên được Vietcombamk đưa ra trên cơ sở dự báo kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao để kiểm soát lạm phát, tăng trưởng thương mại toàn cầu suy giảm do tổng cầu giảm và nguồn cung bị tắc nghẽn. Vì vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 đan xen giữa thách thức và cơ hội.

VIB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 bằng một nửa so với năm 2022.

VIB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 bằng một nửa so với năm 2022.

VIB cũng vừa công bố tài liệu cho đại hội cổ đông thường niên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Mức tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng này chỉ bằng chưa đến một nửa con số ghi nhận trong năm ngoái là 32%.

Nam A Bank cũng vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội cổ đông thường niên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 9% so với năm trước. Trước đó, ngân hàng này đạt lợi nhuận 2.268 tỷ đồng trong năm 2022, tăng khoảng 26% so với năm 2021.

Tại Eximbank, ngân hàng này đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế dự kiến 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với mức đạt được năm 2022. Mặc dù cao hơn các ngân hàng khác, nhưng mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận này vẫn kém xa so với mức tăng trong năm 2022, khi Eximbank là ngân hàng có lợi nhuận tăng nhanh nhất hệ thống – gấp hơn 3 lần so với năm 2021.

Xu hướng chung của các ngân hàng trong năm nay là đặt mục tiêu tăng trưởng thận trọng khi triển vọng toàn ngành được cho là gặp nhiều trở ngại hơn trước áp lực biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng trưởng tín dụng chậm lại và lo ngại về chất lượng tài sản.

Theo FiinGroup, lãi suất huy động liên tục tăng khiến giá vốn của ngân hàng bị đội lên, tỷ lệ tài sản sinh lời có thể tăng chậm hơn, cùng với đó là thời gian cho vay chậm từ 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng sau khi Thông tư 14/2020/TT-NHNN về gia hạn nợ cho cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ tháng 6/2022.

Đồng thời, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay các nhà phát triển bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro và tác động đến lợi nhuận.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng. VCBS cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ ở mức 13-15% vào năm 2023 dưới áp lực từ các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá và bất ổn chính trị trên thế giới. NIM chịu áp lực giảm đến giữa năm 2023 do lãi suất huy động tăng nhanh và tiền gửi không kỳ hạn tăng chậm. Đồng thời, nợ xấu có xu hướng gia tăng do thị trường bất động sản đóng băng và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Trước đó, kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng hơn về triển vọng trong thời gian tới.