VNReport»Kinh tế»Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7%

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7%

17:24 - 04/10/2023

Nhu cầu trong và ngoài nước yếu là nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm trong năm nay, theo Ngân hàng Thế giới.

Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 do nhu cầu trong và ngoài nước yếu, sau đó phục hồi lên 5,5% năm 2024 và 6,0% năm 2025, theo Ngân hàng Thế giới.

Theo Báo cáo Triển vọng Vĩ mô và Nghèo đói mới được Ngân hàng Thế giới công bố gần đây, nhu cầu trong nước dự kiến là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong năm nay, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với năm ngoái.

Tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nước phát triển và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chính sách kinh tế thắt chặt hơn ở các nền kinh tế phát triển lớn có thể lại gây áp lực tỷ giá cho tiền đồng, dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,24% trong 9 tháng đầu năm.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,24% trong 9 tháng đầu năm.

Lạm phát được dự báo ở mức trung bình 3,5% trong năm nay do lương công chức dự kiến tăng, giảm xuống mức 3,0% vào năm 2024 và 2025 với giả định giá hàng hóa thương phẩm và năng lượng ổn định.

Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ được cải thiện hơn nữa nhờ xuất khẩu phục hồi khiêm tốn, du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi và lượng kiều hối ổn định.

Tuần trước, Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam đạt 5,33% và tăng trưởng 9 tháng đạt 4,24%.

Sau khi có dữ liệu mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hạ mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 6,5% xuống còn 6%. Để đạt được mức này, tốc độ tăng trưởng trong quý IV phải đạt 10,6%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong những năm trước đại dịch, kinh tế Việt Nam thường tăng trưởng hàng năm khoảng 6-7%.

Theo Tổng cục Thống kê, những dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế đang trong “xu hướng tích cực”. Sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu tăng 4,6% sau khi giảm so với cùng kỳ trong 6 tháng liên tiếp.

Mặc dù vậy, Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) ngành sản xuất do S&P Global khảo sát rơi xuống dưới 50 trong tháng 9, báo hiệu xu hướng phục hồi vẫn chưa đồng đều.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho tổng cầu trong ngắn hạn. Cần triển khai ngân sách đầu tư công đầy đủ và tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư công.

Chính sách tiền tệ nới lỏng là phù hợp, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cắt giảm lãi suất thì có thể gây áp lực lên tỷ giá do chênh lệch lãi suất với các nền kinh tế lớn.

Hồi tháng 7, Ngân hàng Phát triển châu Á hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 so với ước tính 6,5% hồi tháng 4. Cuối tháng 9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng đạt 4,7%.