VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng Thế giới thay đổi báo cáo để nâng hạng cho Trung Quốc

Ngân hàng Thế giới thay đổi báo cáo để nâng hạng cho Trung Quốc

15:42 - 17/09/2021

Một cuộc điều tra kết luận những người đứng đầu Ngân hàng Thế giới đã gây áp lực nhằm thay đổi dữ liệu của Trung Quốc trong báo cáo Môi trường Kinh Doanh.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hủy một báo cáo đánh giá nổi tiếng về môi trường kinh doanh của các nước trên toàn cầu; sau khi một cuộc điều tra kết luận rằng ban lãnh đạo cấp cao của tổ chức đã gây áp lực buộc nhân viên thay đổi dữ liệu, ảnh hưởng đến xếp hạng của Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Các nhà lãnh đạo liên quan bao gồm giám đốc điều hành WB khi đó là Kristalina Georgieva, hiện là giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và sau đó là chủ tịch WB Jim Yong Kim.

Đây là một cú đánh vào danh tiếng của bà Georgieva, người không đồng ý với kết luận của nhóm điều tra. Là lãnh đạo của IMF, tổ chức cho vay cuối cùng đối với những nước gặp khó khăn trên thế giới, bà chịu trách nhiệm một phần trong việc quản lý áp lực chính trị từ các quốc gia đang tìm cách thúc đẩy lợi ích của chính họ. Đây cũng là ví dụ mới nhất về những cách mà chính phủ Trung Quốc đang sử dụng để nâng cao vị thế toàn cầu của mình.

Cựu giám đốc điều hành WB và hiện là giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva.

Cựu giám đốc điều hành WB và hiện là giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business) là chủ đề của một cuộc điều tra từ bên ngoài về tính toàn vẹn dữ liệu của báo cáo. Vào thứ Năm, ngân hàng công bố kết quả của cuộc điều tra đó. Theo kết luận điều tra, các lãnh đạo cấp cao bao gồm cả bà Georgieva đã tham gia vào việc gây sức ép với các nhà kinh tế để cải thiện xếp hạng năm 2018 của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, bà và những người khác đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc ủng hộ tăng cường tài trợ cho ngân hàng.

Bà Georgieva cho biết: “Về cơ bản tôi không đồng ý với những phát hiện và diễn giải của Cuộc điều tra về sự bất thường dữ liệu liên quan đến vai trò của tôi trong báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2018 của WB”.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh là một ấn phẩm quan trọng của WB, tổ chức nghiên cứu kinh tế cùng với công việc chính của mình là cung cấp tài chính cho những nước nghèo. Bản phát hành hàng năm của báo cáo thu hút giới truyền thông trên khắp thế giới. Các quốc gia cố gắng cải thiện thứ hạng của mình bằng cách thực hiện những thay đổi về chính sách.

Trong nhiều năm, báo cáo này được coi là một thành công vì nó thúc đẩy các chính phủ cải thiện khả năng để giới doanh nghiệp có thể xin giấy phép, kết nối với nguồn điện hoặc nộp thuế dễ dàng hơn – những yếu tố được xem xét trong bảng xếp hạng.

Các quan chức Trung Quốc trong năm 2017 và 2018 muốn thấy thứ hạng của họ được cải thiện. Vì vậy, ông Kim và bà Georgieva cùng các nhân viên của họ đã tổ chức một loạt những cuộc họp để thảo luận về cách thức có thể thay đổi phương pháp của báo cáo nhằm cải thiện thứ hạng của Trung Quốc, theo báo cáo điều tra của công ty luật WilmerHale.

WB khi đó đang trong quá trình đàm phán để nhận được khoản tăng vốn trị giá 13 tỷ USD. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc là cổ đông thứ 3 tại WB, sau Mỹ và Nhật Bản; và Bắc Kinh háo hức thấy sức mạnh của mình tăng lên như một phần của thỏa thuận tăng vốn.

Vào tháng 10/2017, bà Georgieva đã triệu tập một cuộc họp với Giám đốc quốc gia của WB về Trung Quốc, cũng như các nhà kinh tế biên soạn báo cáo Môi trường Kinh doanh. Bà chỉ trích việc “quản lý sai mối quan hệ của Ngân hàng với Trung Quốc và không đánh giá cao tầm quan trọng của báo cáo Môi trường Kinh doanh đối với đất nước”, theo bản tóm tắt của báo cáo điều tra về cuộc họp.

Một nhân viên không rõ danh tính trong nhóm soạn báo cáo Môi trường Kinh doanh gợi ý rằng họ có thể tăng xếp hạng của Trung Quốc bằng cách loại bỏ dữ liệu từ Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, vì xếp hạng của Trung Quốc kết hợp dữ liệu từ cả 2 thành phố. Báo cáo điều tra cho biết, bà Georgieva đã yêu cầu mô phỏng chiến lược đó.

Các nhân viên sau đó xác định rằng sự thay đổi sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, nhóm điều tra cho biết. Xếp hạng của các quốc gia khác cũng sẽ được hưởng lợi, làm giảm mức cải thiện xếp hạng của Trung Quốc.

Cuối cùng, nhóm biên soạn đã xác định được 3 điểm dữ liệu có thể được thay đổi để nâng điểm của Trung Quốc, báo cáo điều tra cho biết. Ví dụ, Trung Quốc đã thông qua luật liên quan đến các giao dịch bảo đảm, chẳng hạn như khi ai đó vay tiền bằng tài sản thế chấp. Các nhân viên của WB xác định rằng luật này có thể giúp Trung Quốc cải thiện đáng kể điểm số về pháp luật.

Các nhân viên của WB biết những thay đổi này là không phù hợp nhưng “phần lớn nhân viên soạn báo cáo Môi trường Kinh doanh mà chúng tôi nói chuyện lo sợ bị trả thù”, báo cáo điều tra cho biết.

Mặc dù quá trình thu thập dữ liệu cho báo cáo năm 2018 đã kết thúc, các nhà kinh tế của WB mở lại bảng dữ liệu và thay đổi dữ liệu của Trung Quốc, theo kết quả điều tra. Thay vì xếp thứ 85 trên thế giới, Trung Quốc leo lên thứ 78 do những thay đổi này. Một loạt những thay đổi nhỏ hơn được nêu chi tiết trong báo cáo điều tra cũng ảnh hưởng đến thứ hạng của Azerbaijan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út.

Các nhà điều tra cho biết, khi bà Georgieva được thông báo về những thay đổi, bà cảm ơn một trong những lãnh đạo cấp cao của báo cáo Môi trường Kinh doanh vì đã đóng góp “một chút cho chủ nghĩa đa phương”.

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn thứ 3 của WB, sau Mỹ và Nhật Bản.

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn thứ 3 của WB, sau Mỹ và Nhật Bản.

Vào tháng 4/2018, Mỹ, Trung Quốc và các nước thành viên khác hoàn tất thỏa thuận để tăng cường tài trợ của WB. Không biết mức độ cải thiện xếp hạng ảnh hưởng như thế nào đến mức hỗ trợ của Trung Quốc. Nước này từ lâu đã tỏ thái độ ủng hộ đối với việc tăng vốn của WB.

Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan giám sát sự tham gia của nước này vào IMF và WB, bày tỏ mối quan ngại của mình với những phát hiện của báo cáo điều tra. IMF và WB thuộc sở hữu chung của các nước thành viên và đối với cả 2 tổ chức, Mỹ có cổ phần sở hữu lớn nhất.

“Đây là những phát hiện nghiêm trọng và Bộ Tài chính đang phân tích báo cáo”, phát ngôn viên của Bộ, Alexandra LaManna, cho biết. “Trách nhiệm chính của chúng tôi là duy trì tính toàn vẹn của các tổ chức tài chính quốc tế”.

Justin Sandefur, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, người từ lâu đã chỉ trích báo cáo Môi trường Kinh doanh, cho biết: “Các nhân viên WB có quyền tự quyết rất lớn kết hợp với tầm quan trọng đối với danh tiếng những quốc gia khách hàng của WB trên các phương tiện truyền thông. Đó là công thức cho can thiệp chính trị”.

Những lo ngại về báo cáo Môi trường Kinh doanh lần đầu tiên được công khai vào năm 2018 khi nhà kinh tế trưởng của WB, Paul Romer, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal rằng ông lo ngại báo cáo có thể bị thay đổi dữ liệu nhằm phục vụ cho mục đích chính trị. Ông Romer nói rằng ông thiếu tin tưởng vào một loạt những thay đổi về phương pháp của báo cáo.

WB phủ nhận rằng báo cáo bị thao túng và ông Romer đã từ chức ngay sau đó. Vào thời điểm đó, ông cho rằng vai trò của WB với tư cách là tác giả khách quan của các báo cáo kinh tế như Môi trường Kinh doanh mâu thuẫn cơ bản với sứ mệnh ngoại giao của tổ chức.

Sau khi phát hiện ra thêm những bất thường về dữ liệu vào năm 2020, ngân hàng đã tạm dừng xuất bản báo cáo và tiến hành cuộc điều tra từ bên ngoài.