VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Ngành bán lẻ triển vọng tăng trưởng nóng dịp cuối năm

Ngành bán lẻ triển vọng tăng trưởng nóng dịp cuối năm

16:44 - 30/09/2022

Trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện giãn cách xã hội cách đây một năm, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại và đón nhận nhiều tín hiệu tích cực những tháng cuối năm.

Làn sóng mua sắm tiêu dùng cuối năm

Trong báo cáo về ngành bán lẻ vừa được Vietnam Report công bố, chuyên viên phân tích nhận định rằng trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện giãn cách xã hội cách đây một năm, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại trong nhịp sống của bình thường tiếp theo.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4.000 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh, trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng khá tốt.

Khảo sát doanh nghiệp Bán lẻ của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8 cũng cho thấy 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. 91,7% cho rằng triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.

Thị trường bán lẻ đang sôi động trở lại

Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đưa ra nhận định Tết Nguyên đán 2023 tới sớm hơn thường lệ (trong tuần thứ 3 của tháng 1/2023) cho thấy mùa bán hàng quý 4/2022 sẽ rất khả quan. Còn theo nhận định vừa đưa ra từ Công ty nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W), trong 3 tháng cuối năm, với nhiều sự kiện lễ hội nối đuôi chương trình khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, Lễ độc thân 11/11, Giáng Sinh, Tết sẽ tạo ra “làn sóng mua sắm” với dự kiến số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm cho tiệc như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng… sẽ tăng trưởng nóng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, cơ hội cho các doanh nghiệp khi bước vào mùa tiêu dùng cuối năm là tương đối nhiều, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Cơ hội sẽ đến nhiều hơn với những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu, hay các sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao theo mùa vụ cuối năm, nhưng doanh nghiệp cần tạo sự hiệu quả trong kênh phân phối của mình.

Theo ông Dũng, để tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp phải gặp thuận lợi trong cả chuỗi kinh doanh và cung ứng (từ nguyên vật liệu, nhân công, vận chuyển, kho hàng…). Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng nên rất cần sự hỗ trợ từ phía ngân hàng nhằm giúp doanh nghiệp khai thác vốn vay để mạnh dạn đầu tư cho quý cuối năm.

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu

Tính đến sáng 30/9, theo thông tin trên website bán hàng Bách Hóa Xanh, chuỗi bán lẻ bách hóa này chỉ còn 1.738 cửa hàng hoạt động trên toàn quốc, giảm đi 402 cửa hàng chỉ trong hơn 4 tháng vừa qua. Bên cạnh các cửa hàng đã đóng, còn nhiều cửa hàng của Bách Hóa Xanh đang đẩy mạnh hoạt động giảm giá 50%, thanh lý hàng hóa để đóng cửa.

Tương tự Bách Hóa Xanh, Pharmacity cũng phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng, tái cơ cấu, đẩy mạnh bán hàng online để bù lỗ, tăng trưởng hơn. Ông lớn trên thị trường thuốc đã “phình to” chỉ trong thời gian ngắn với khoảng 2.000 cửa hàng trên khắp toàn quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thương hiệu này liên tục đóng cửa hàng trăm nhà thuốc hoạt động không hiệu quả để tái cơ cấu và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chi phí thuê mặt bằng khu vực trung tâm các thành phố lớn tăng cao, cũng như căng thẳng địa chính trị và lạm phát toàn cầu, việc hàng loạt thương hiệu lớn đóng cửa hàng hiện hữu là điều dễ hiểu. Hơn lúc nào hết, thị trường bán lẻ Việt Nam cần được định hình lại, với xu thế là thương mại điện tử.

Tuy vẫn còn những hạn chế so với kênh bán hàng trực tiếp nhưng dự báo đều cho thấy, bán lẻ trực tuyến của Việt Nam sẽ bùng nổ. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 1,9 tỷ USD so với năm 2020. Con số này cao gấp 2 lần năm 2017, thời điểm bắt đầu bùng nổ của thương mại điện tử Việt Nam.

Cũng trong 5 năm qua, số người mua sắm trực tuyến của Việt Nam đã tăng từ 33,6 triệu người vào năm 2017 lên 54,6 triệu người vào năm 2021. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng tăng từ 186 lên 251 USD sau 5 năm. Năm 2021, Việt Nam có hơn 58,2% người dùng internet mua sắm qua mạng hằng tuần, trong khi con số này của toàn cầu là 58,4%.

Dữ liệu từ các báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, doanh thu kinh tế internet của Việt Nam từ năm 2021 là 21 tỷ USD sẽ tăng lên thành 57 tỉ USD năm 2025. So với các nước trong khu vực, quy mô kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 chỉ kém Indonesia (70 tỷ USD) và Thái Lan (30 tỷ USD).

Dự đoán của Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2022 quy mô thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 16,4 tỷ USD. Còn CBRE Châu Á dự đoán, doanh thu từ thị trường này của Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 25-27 tỷ USD.